Đảo không người lớn nhất thế giới
Trong nhiều thế kỷ qua, con người đã không thể sống trên đảo Devon ở Bắc Cực, khu định cư cuối cùng ở đây bỏ hoang từ năm 1951.
Mới đây, trong một cuộc khám phá, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di tích và hiểu thêm về lịch sử cổ đại của người Inuit trên đảo, một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Dấu vết đoàn thám hiểm
Nằm giữa Greenland và Canada, thuộc quần đảo Parry, đảo Devon có diện tích lên tới 55.247 km², lớn hơn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Hiện nay, nó được tuyên bố là hòn đảo không có người ở lớn nhất trên Trái đất.
Năm 1845, đoàn thám hiểm gồm 129 người trên hai tàu HMS Erebus và HMS Terror do nhà tự nhiên học Sir John Franklin dẫn đầu, đã lên đường để lập bản đồ Hành lang Tây Bắc huyền thoại cho Vương quốc Anh và họ không bao giờ trở lại.
Cuộc tìm kiếm bắt đầu vào năm 1848 và manh mối đầu tiên về Franklin được tìm thấy vào năm 1850. Đó là một chiếc cào tiền trong các sòng bài của ông được phát hiện trên đảo Devon.
Những phát hiện khác bao gồm một mảnh vải bạt có ghi “Terror”, 700 hộp thịt rỗng và hàng chục dấu vết khác của đoàn thám hiểm, từ quần áo đến sắt, dây thừng và tẩu thuốc. Thế nhưng tung tích của con người thì không tìm thấy.
Năm 1852, Sir Edward Belcher dẫn đầu đoàn tìm kiếm cuối cùng những nhà thám hiểm bất hạnh. Ở lại đảo Devon, họ đã lập căn cứ trên một vịnh nhỏ với các cột mốc khảo sát, khu vực này hiện được gọi là Di tích Lịch sử Quốc gia Cảng Refuge.
Mặc dù nhiệm vụ giải cứu của Belcher không thành công, nhưng một trong những con tàu của ông, HMS Resolute, đã trở thành di sản quan trọng. Những thanh gỗ của nó sau đó đã giúp tạo nên một trong những món đồ nội thất mang tính biểu tượng nhất thế giới, “Bàn làm việc Resolute”, vẫn được các đời tổng thống Hoa Kỳ sử dụng cho đến ngày nay.
Phát hiện di tích cổ
Sau khi Hành lang Tây Bắc được lập bản đồ thành công khoảng 70 năm sau đó, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã cắm cờ của họ trên đảo Devon. Năm 1924, ba sĩ quan RCMP - và 52 người Inuit bị di dời cưỡng bức - đã được cử đến để cai trị vùng cao Bắc Cực, dựng đồn tại Cảng Dundas, nơi những vách đá gồ ghề bên bãi biển lởm chởm của hòn đảo nhìn ra eo biển Lancaster.
Kaylee Baxter - nhà khảo cổ học của hãng Adventure Canada, cho biết: “Họ không nhất thiết phải làm nhiệm vụ cảnh sát ở đây. Việc triển khai này nhằm ngăn chặn các quốc gia khác tuyên bố Bắc Cực là của riêng họ”.
Tuy nhiên, trong điều kiện khắc nghiệt trên đảo, chỉ trong vòng ba năm, hai cảnh sát đã chết: Một người tự tử và người kia đã vô tình tự bắn mình. Sau đó, viên sĩ quan còn lại và các gia đình người Inuit sớm rời bỏ nơi ở biệt lập của mình.
RCMP đã đóng cửa đồn vào năm 1933, rồi mở lại vào năm 1945, và sau đó đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1951. Những ngôi mộ của hai sĩ quan vẫn còn và được bảo dưỡng thường xuyên nằm trên một ngọn đồi phía trên tiền đồn hoang vắng, trong nghĩa trang cực Bắc thế giới.
Cách đó vài bước chân là ngôi mộ của một cô gái người Inuit. So với nhóm cư dân đầu tiên của đảo Devon, “lực lượng cảnh sát” của Canada và các nhà thám hiểm Anh là những du khách hiện đại. Sự hiện diện của họ đã đưa đến những khám phá lịch sử quan trọng của hòn đảo.
Chỉ cách những đống đá Belcher tại Di tích Lịch sử Quốc gia Cảng Refuge một quãng ngắn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những hiện vật có niên đại lên đến 4.000 năm, cung cấp bằng chứng về sự tiếp xúc của tổ tiên người Inuit với các thuộc địa Norse thời Trung cổ của Greenland.
Tại cảng Dundas, chỉ cách tiền đồn của RCMP vài bước chân là tàn tích đá một “khu phố” của người Inuit có niên đại khoảng 1.000 năm. Địa điểm Morin Point Thule lưu giữ manh mối về những người tiên phong đầu tiên băng qua Bắc Cực phía Đông và nó đang bị xói mòn.
Khắc nghiệt như sao Hỏa
NASA và Viện nghiên cứu sao Hỏa là những đơn vị mới nhất tìm cách đương đầu với những thách thức của đảo Devon. Với cái lạnh khắc nghiệt, hệ thống thông tin liên lạc hạn chế, thiếu ánh sáng Mặt trời và thảm thực vật nghèo nàn của hòn đảo, các nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng việc thám hiểm sao Hỏa.
Dự án Haughton cho phép các phi hành gia huấn luyện trong điều kiện khắc nghiệt, thử nghiệm thiết bị đến giới hạn của nó và nghiên cứu sự phát triển của thực vật cùng những thách thức trong chuyến bay vũ trụ kéo dài.
Tất nhiên, hòn đảo này được coi là quá khắc nghiệt đối với một trạm nghiên cứu cố định. Ngay cả những đội được trang bị tốt nhất của NASA cũng phải tránh mùa Đông khắc nghiệt ở đây. Ngày nay, hầu hết du khách khám phá đảo Devon và các đảo lân cận Bắc Cực thông qua du thuyền thám hiểm.
Các công ty như Adventure Canada và Lindblad Expeditions cung cấp các chuyến đi qua Hành lang Tây Bắc, nơi du khách có thể ngắm động vật hoang dã, đi bộ đường dài và khám phá các khu định cư cổ xưa của người Inuit cùng di tích từ các chuyến thám hiểm trước đây.
Trong khi đảo Devon không có người ở thì các cộng đồng phía Bắc của Nunavut, như Pond Inlet và Arctic Bay gần đó, vẫn rất sôi động. “Có rất nhiều nền văn hóa ở đây”, Jason Edmunds, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị tại Travel Nunavut và là một trong những người dẫn đầu đoàn thám hiểm Inuit duy nhất của Canada, cho biết, “Khi bạn ở trong khu vực này, hãy nghĩ về chính nền văn hóa đó. Đừng chỉ tập trung vào tác động của một nền văn hóa khác lên nó”.
Theo Nationalgeographic
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dao-khong-nguoi-lon-nhat-the-gioi-post708596.html