'Đạo' luận văn Thạc sĩ làm đề tài nghiên cứu khoa học, tiến sĩ nói 'do lỗi kỹ thuật'
đã từng có bài phản ánh 'Phó trưởng khoa bị tố 'đạo' luận văn Thạc sĩ thành đề tài nghiên cứu khoa học', tuy nhiên đây không phải là trường hợp duy nhất ở ngôi trường này.
Theo nội dung đơn thư tố cáo, ông P.N.T.V. là Tiến sĩ, giảng viên tại khoa Vật Lý của trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, ông V. bị tố đã sao chép nhiều phần và nhiều chương trong luận văn Thạc sĩ do mình thực hiện trước đó.
Bài liên quan
Phó trưởng khoa bị tố ‘đạo’ luận văn Thạc sĩ thành đề tài nghiên cứu khoa học
Cụ thể, năm 2010, ông V. thực hiện và bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với tên đề tài “Nghiên cứu đánh giá một số thông số kỹ thuật của hệ phổ kế gamma dùng detector HPGe GEM 15P4”.
Năm 2011, ông V. tiếp tục có báo cáo nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở, mã số CS.2010.19.109, tên đề tài “Xây dựng đường cong hiệu suất thực nghiệm detector HPG echo hệ phân tích gamma phông thấp tại Phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân, Trường Đại học Sư phạm thành phố”. Chính đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở này của ông V. đã bị phát hiện sử dụng lại nhiều phần và nhiều chương trong luận văn Thạc sĩ do ông thực hiện ở trên. Cụ thể là ông V. sao chép gần như hoàn toàn Phần Mở đầu, Chương 2 và Chương 3.
Theo báo cáo giải trình của Tiến sĩ P.N.T.V. ông cho rằng, việc báo cáo nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở có một số phần gần như trùng khớp với một số chương trong luận văn Thạc sĩ chỉ là lỗi kỹ thuật, do một số nguyên nhân khách quan như: Thời gian chuẩn bị gấp rút, thiếu kinh nghiệm trong việc trình bày văn bản khoa học, bản thân ông không phải là nhà nghiên cứu luật nên đã vô tình vi phạm.
Ông V. lý giải rằng, ông không sao chép hay sử dụng kết quả luận văn của người khác, mà chỉ sử dụng lại kết quả từ hoạt động lao động và sáng tạo của bản thân. Do ông trực tiếp thực hiện đề tài luận văn Thạc sĩ trước đó nên ông cũng chính là tác giả và hoàn toàn có quyền sử dụng luận văn cho mục đích khác.
Theo ông V. việc sử dụng lại nội dung trong luận văn Thạc sĩ để đăng ký làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, là định hướng của trường vào thời điểm đó. Dù không có văn bản quy định cụ thể, nhưng việc này nhằm mục đích hỗ trợ thêm kinh phí cho các giảng viên trẻ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đối với trường.
Do đó, việc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở của ông V. đã được bộ phận quản lý, cụ thể là Phòng Khoa học công nghệ - Sau đại học thông qua, phê duyệt. Ông V. dẫn chứng rằng mình không phải là trường hợp duy nhất.
Ngày 4/8/2016, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có kết luận số 239, kết luận nội dung tố cáo về trường hợp của Tiến sĩ P.N.T.V.
Theo đó, nhà trường đã kết luận: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mã số CS.2010.19.109 của ông V. đã có sự trùng lặp nội dung với nhiều phần của luận văn Thạc sĩ cũng do ông V. thực hiện trước đó.
Kết quả của đề tài nghiên cứu cấp cơ sở có nội dung trùng khớp với chương 2 của luận văn Thạc sĩ. Nhà trường kết luận: Việc trùng lặp này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của đề tài nghiên cứu.
Video: Nhiều sinh viên sư phạm ra trường, "chạy" việc cũng không được.
Tuy nhiên, nhà trường lại không đủ cơ sở để khẳng định ông V. vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thay vào đó ông V. bị cho rằng đã vi phạm vào quyết định số 113, do Hiệu trưởng nhà trường ký vào ngày 19/2/2008.
Trong đó có yêu cầu “chủ nhiệm đề tài phải chịu trách nhiệm đảm bảo tên đề tài, nội dung nghiên cứu của đề tài không trùng lặp với các đề tài đã nghiên cứu, các luận văn Thạc sĩ, các luận văn Tiến sĩ, đảm bảo chỉ rõ, đầy đủ các trích dẫn, cùng với nguồn gốc các nội dung đã trích dẫn”.
Vì thời điểm xảy ra sự việc cho đến nay đã quá thời hiệu quy định, nên nhà trường không tiến hành kỷ luật viên chức đối với ông V. Thay vào đó, nhà trường lập hội đồng xem xét thu hồi kinh phí đã cấp cho ông V. trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; đồng thời có sự phê bình, nhắc nhở ông V.