Đạo luật Đối tác với ASEAN: Nhấn mạnh sự tôn trọng của Mỹ trong quan hệ với ASEAN
Các dân biểu Mỹ đang chuẩn bị trình Quốc hội nước này xem xét Đạo luật Đối tác với ASEAN. Được đánh giá là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh mối quan hệ song phương hiện nay đã có nhiều biến chuyển, đạo luật sẽ giúp nâng cao vị thế chính thức của ASEAN ngang bằng với các nhóm quan trọng khác như Liên minh Châu Âu. Những người theo dõi ASEAN hy vọng đạo luật này sẽ nhanh chóng được thông qua và tin tưởng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ ký thành luật.
Mở rộng đặc quyền cho ASEAN
Dự luật do Dân biểu Đảng Dân chủ Joaquin Castro từ Texas và Dân biểu Đảng Cộng hòa Young Kim từ California đồng tác giả. Cả hai đều là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ông Castro cũng là người sáng lập và đồng Chủ tịch của Nhóm họp kín của Quốc hội về ASEAN (House US-Asean Caucus).
Bên cạnh sự hỗ trợ chính trị của lưỡng đảng, Dự luật cũng thu hút được sự ủng hộ từ một loạt các tổ chức bao gồm Phòng Thương mại Hoa Kỳ đầy quyền lực ở Washington DC.
Đạo luật sau khi được thông qua, sẽ cho phép xác định nhóm các nước Đông Nam Á là một tổ chức quốc tế với các đặc quyền và miễn trừ ngoại giao phù hợp với Đạo luật Miễn trừ các tổ chức quốc tế. Văn bản này được thúc đẩy mạnh mẽ ở cả hai viện của Quốc hội đã cho thấy sự tôn trọng ngày càng tăng của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho phép Hoa Kỳ và ASEAN khám phá các lĩnh vực hợp tác mới.
Cho đến nay, Hoa Kỳ đã cấp cho EU và Liên minh châu Phi các đặc quyền và miễn trừ ngoại giao đầy đủ, nhưng ASEAN vẫn chưa nhận được sự đối xử tương tự. Dự luật này sẽ giải quyết vấn đề đó và mở rộng các đặc quyền và quyền miễn trừ ngoại giao đầy đủ cho ASEAN. Các quan chức của Ban Thư ký ASEAN sẽ được tạo điều kiện cấp thị thực ngoại giao khi họ đến Hoa Kỳ.
Ý thức về vai trò trung tâm của ASEAN
Các nhà phân tích và quan sát nói rằng sự ra đời của đạo luật này là cấp thiết bởi những giao thức cũ đã không còn theo kịp tầm quan trọng hiện nay của ASEAN trong mối quan hệ với Mỹ.
Ông Dân biểu Đảng Dân chủ Joaquin Castro khẳng định với The Straits Times trong một email rằng mối quan hệ Mỹ-ASEAN rất bền chặt và đang phát triển theo hướng tích cực. Ông viết: “Việc cung cấp cho ASEAN các đặc quyền và miễn trừ ngoại giao thông thường theo luật pháp Hoa Kỳ là một phần quan trọng trong quá trình cải thiện mối quan hệ đó. Tôi hy vọng rằng Đạo luật Đối tác với ASEAN sẽ nhấn mạnh sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và thiết lập một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cho phép chúng ta khám phá các lĩnh vực hợp tác mới”
Phòng Thương mại Mỹ đã kêu gọi nước này can dự nhiều hơn trong lĩnh vực kinh tế với ASEAN và cải thiện Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ đưa ra vào tháng 5.2022.
Trong một cuộc phỏng vấn với Strait Times, ông John Goyer, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết: “Thật phấn khởi khi nghe Chính quyền khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN; cho dù đó là các vấn đề liên quan đến tranh chấp hàng hải hay tình hình ở Myanmar, và các vấn đề khác... rộng hơn là các vấn đề khu vực châu Á... Tất cả điều đó cho thấy những người ở Washington công nhận và tin tưởng vào vai trò trung tâm của ASEAN”.
Dữ liệu thương mại hồi đầu tháng 2.2023 cho thấy nhập khẩu của Mỹ từ ASEAN là 337 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu của Mỹ. Ông Goyer lưu ý, mức tăng trưởng nhập khẩu từng là 18% hàng năm, nhưng con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017.
“Trung Quốc có thể là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, nhưng chúng tôi là nhà đầu tư lớn nhất và khoản đầu tư đó cũng đang tăng rất nhanh”, ông nói.
Một phụ tá của nghị sĩ Quốc hội, người yêu cầu giấu tên, cho biết Dự luật là một bước quan trọng trong các điều khoản về thủ tục và có rất nhiều kỳ vọng cho rằng, dự luật này sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho đối thoại và hợp tác giữa Mỹ và ASEAN.
“Tính trung tâm của ASEAN và tầm quan trọng của các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, bao gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á, là điều mà Quốc hội Mỹ ủng hộ mạnh mẽ và chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ nhiệt tình từ các tổ chức kinh tế xã hội khác để tiếp tục nâng cấp mối quan hệ quan trọng này”.