Đạo luật quan trọng và câu chuyện ngàn năm
Những ngày này, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang tập trung cao độ cho việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dịp để mỗi người dân đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của mình thông qua ý kiến đóng góp để ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Một sự kiện quan trọng như thế, đương nhiên là các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động không thể bỏ qua.
Trong số các trang mạng chống cộng thường xuyên đưa tin xuyên tạc tình hình Việt Nam, RFA có thể được xem là trang mạng “đầu tư” ghê gớm nhất, bài bản nhất cho chiến dịch chống phá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chỉ trong tháng 12-2022, trang này đăng 6 bài “phản biện” liên tục về dự thảo Luật Đất đai. Chưa cần đọc nội dung, chỉ đọc những tít bài như: “Quy chế thu hồi đất: càng sửa đổi, càng siết chặt quyền dân sự” hay “Quy định mập mờ: Nhà nước hay chủ đầu tư có quyền cưỡng chế?”, rồi “Dự thảo Luật đất đai trái Nghị quyết Đảng”… đã thấy chủ tâm và mục đích hướng tới của những bài viết này là gì rồi. Những bài viết đều dưới dạng phân tích trên cơ sở trích dẫn các phát biểu của Giáo sư Đặng Hùng Võ và nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu lại bị cắt xén nội dung và hướng lái người đọc hiểu theo ý tiêu cực.
Trước đó, vào giữa tháng 11-2022, cũng trang này đăng bài: “Lấy ý kiến dân về Luật đất đai: Có lắng nghe hay chỉ là hình thức?”. Bài viết trích lời của ông luật sư Đặng Trọng Dũng nào đó, rằng “cứ mỗi 10 năm họ thay đổi một lần. Không chỉ Luật Đất đai mà cả Luật Dân sự, Luật Hình sự và Luật Luật sư cũng thay đổi mỗi 10 năm. Cái cách của Việt Nam nó là như vậy. Ở các quốc gia khác như Pháp, Mỹ thì bộ luật của họ tồn tại cả trăm năm không thay đổi”. Sau khi ca tụng Pháp, Mỹ, chê bai Việt Nam, bài viết có đoạn: “Cái tư duy trại lính với đặc trưng là thi hành trước, khiếu nại sau được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam áp dụng vào quản trị quốc gia thông qua luật pháp. Nó gây xung đột dữ dội trong Luật Đất đai nói riêng và các luật khác nói chung, bởi vì người dân không phải là quân nhân để áp dụng tư duy trại lính…”. Tóm lại, cả bài viết chỉ là sự hằn học, lý sự loằng ngoằng và những câu chửi đổng chứ không có bất cứ một phân tích có giá trị nào. Vậy mà các “nhà dân chủ” trong nước cứ chia sẻ mấy bài viết xuyên tạc rầm rộ trên không gian mạng.
Cũng dịp này, trang Người Việt có bài: “Luật Đất đai, sửa thì cứ sửa” của tác giả Hiếu Chân. Bài viết dẫn tít phụ khá sốc: “Nguồn gốc một chính sách phản động”. Và để minh chứng cho cái sự “phản động” của Đảng ta, Hiếu Chân viết rằng: “Cốt lõi của vấn đề nằm ở đường lối của đảng Cộng sản: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý”. Đường lối này đã tước bỏ quyền sở hữu đất đai của người dân đối với tài sản mà họ tích cóp được hoặc thừa kế được từ tổ tiên ông bà…”. Đọc đến đây, hẳn có người sẽ hỏi, có lẽ ông Hiếu Chân này từ trên trời rơi xuống hoặc từ một hành tinh xa xôi nào đó đến chứ nhất định không phải người Việt. Bởi người Việt Nam thì ai cũng biết trước Cách mạng tháng Tám, đa phần diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu của địa chủ, tư bản, người dân chỉ làm thuê theo kiểu phát canh thu tô. Giành được độc lập, Đảng, Nhà nước ta mới trưng thu ruộng đất của địa chủ, tư bản và dân cày mới có ruộng. Trải qua các thời kỳ sửa đổi Luật Đất đai, Việt Nam vẫn nhất quán sở hữu toàn dân về đất đai và tiếp tục điều chỉnh những vấn đề quy định trong luật không còn phù hợp thực tiễn. Vậy mà Hiếu Chân lại luận giải rằng: Trước khi cướp được chính quyền hồi tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lợi dụng tâm lý thèm khát ruộng đất của nông dân Việt Nam để lôi kéo họ đi theo “cách mạng”. Đảng Cộng sản biết rõ, người nông dân sẵn sàng đi theo đảng để thực hiện ước mơ làm chủ ruộng vườn thay vì cúi mặt làm thuê cho địa chủ và bị bóc lột thậm tệ... Nhưng sau khi chiếm được một nửa đất nước, chính sách quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là tước bỏ quyền tư hữu ruộng đất của nông dân… Một chính sách sai lầm và phản động như vậy tại sao cứ tồn tại dai dẳng và gây bao đau thương oan khuất trong xã hội? Thử hỏi, với sự định kiến, duy lý và tư duy theo lối con trẻ như thế thì làm sao tác giả Hiếu Chân cùng những người quản trị trang Người Việt có cái nhìn khách quan để phản biện một cách khoa học và mang tính xây dựng đối với vấn đề đang thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam. Cái gọi là “phản biện” của họ chỉ là sự cố ý xuyên tạc chính sách, tỏ vẻ bênh vực quyền lợi của người dân một cách vô lối, nhằm lôi kéo, kích động những người có tư tưởng bất mãn, cực đoan mà thôi.
Trước đó, trang BBC tiếng Việt có bài: “Luật Đất đai: Sự khôn lỏi của Nhà nước”. Bài viết phỏng vấn ông luật sư dân chủ Nguyễn Quang A và trích dẫn những câu nói “chẻ hoe” của vị “luật sư dân chửi” được dùng làm tít phụ cho bài viết như: Nhà nước khôn lỏi, bỏ phiếu với tư cách đảng viên… Tất nhiên, với tư tưởng hận thù, chống phá đến cùng, Nguyễn Quang A không bao giờ đồng tình với chính sách quản lý đất đai mà Nhà nước ta đang mở đợt cao điểm lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân hiện nay.
Đất đai là không gian sinh tồn của mỗi con người, mỗi gia đình, làng xã, rộng lớn hơn là của cả dân tộc. Và Luật Đất đai là một trong những đạo luật quan trọng vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống mỗi người dân, doanh nghiệp. Bởi thế, việc lấy ý kiến các tầng lớp xã hội là vô cùng quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận trước khi dự luật được Quốc hội thông qua. Chuyện chống phá dự thảo Luật Đất đai qua việc “đòi” sở hữu tư nhân hay bỏ điều này, điều kia trong luật là “câu chuyện ngàn năm” của những kẻ chống phá. Và cho dù được ngụy trang dưới hình thức “góp ý” hay “phản biện” thì những luận điệu chống phá ấy rất dễ bị bóc trần!