ĐẠO LÝ KÍNH GIÀ

Hôm nay (1-10) là Ngày Quốc tế Người cao tuổi và cũng là ngày mở đầu của 'Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam' năm 2020 với chủ đề 'Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi'.

Chúng ta rất tự hào về truyền thống đạo lý, về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là kính trọng người già. Kính già đã được coi là biểu hiện của lễ nghĩa và nhân ái. Tuổi thọ là “Thiên tước” (tước-lộc của trời ban cho), là hạnh phúc lớn của con người. Vì vậy, trong đời sống cộng đồng thì người cao tuổi được tôn trọng nhất. Kính già là quan hệ gắn bó với nhau trong phương châm xử thế, trong đạo làm người, biểu hiện của nếp sống thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

 Ảnh minh họa. Nguồn: giadinh.net

Ảnh minh họa. Nguồn: giadinh.net

Xã hội càng phát triển, tuổi thọ của con người càng được kéo dài, kéo theo tỷ lệ của người già trong xã hội ngày một tăng thêm. Đã có ý kiến cho rằng người già là gánh nặng cho kinh tế của nhiều gia đình và toàn xã hội. Thế nhưng, trên thực tế tại nhiều nước, dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây còn là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ phục vụ người cao tuổi, nhiều cơ hội kinh doanh phục vụ nhóm người cao tuổi sẽ xuất hiện. Điều quan trọng là nếu biết phát huy được vai trò của người cao tuổi trong xã hội thì chẳng những phù hợp với đạo lý "Kính già-yêu trẻ" của dân tộc mà còn thúc đẩy đất nước phát triển. Người xưa thường nói “Trẻ thì có nhuệ khí nhưng thiếu kinh nghiệm, già có kinh nghiệm nhưng thiếu nhuệ khí”, nghĩa là một quốc gia chỉ thực sự hoàn thiện, khi biết vận dụng sức mạnh kết hợp của các thế hệ.

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam” năm nay đã được chọn là “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”. Thực tế trong thời gian qua, người cao tuổi đã có những đóng góp rất lớn về kinh nghiệm, trí tuệ trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tinh thần “Tuổi cao ý chí càng cao” của người cao tuổi đã là nguồn lực quý cho các gia đình, các địa phương và toàn xã hội. Quan niệm "Lão lai tài tận" (nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa), “Lão giả an chi” (người già nên ở yên) của một số người cao tuổi cần phải được phê phán trong xã hội hiện đại.

Ngày Quốc tế Người cao tuổi không chỉ là ngày nhắc nhở mọi người hãy thể hiện đạo lý “Kính trên-nhường dưới” của dân tộc mà còn là ngày hành động để thích ứng với già hóa dân số, gợi mở các chính sách phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội và phát huy nguồn lực của người cao tuổi.

Theo quy luật tự nhiên, “Tre già măng mọc” tiếp nhau để sinh tồn, phát triển. Nếu không có tre thì chắc chắn chẳng có măng.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dao-ly-kinh-gia-636539