Đạo lý thầy trò

Lối sống nhân ái, tinh thần hiếu học, trọng danh dự, ý chí vượt khó đã hun đúc thành truyền thống tôn sư trọng đạo đáng quý của người Việt.

Càng được kính trọng, người thầy càng ý thức giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp để làm gương trong xã hội. Thế nên ngày xưa quan hệ thầy trò được coi là một trong những rường cột của đạo lý. Mối tình nghĩa thầy trò Chu Văn An là một trong những mẫu mực ấy.

Chính sử ghi thầy Chu Văn An là một bậc hiền nho, một tấm gương tiết tháo, cương trực, suốt đời không màng danh lợi, ai ai cũng ngưỡng mộ. Tính thầy nghiêm nghị, lối sống chính trực, nhân cách thanh cao, học vấn sâu rộng. Tiếng lành đồn xa, trò đến theo học ngày càng đông, có đến hàng ngàn, môn sinh nào cũng chăm chỉ, lễ độ, nhiều người đỗ đạt cao hoặc trở thành những người có công lao với nước, với dân. Với những trò mất đạo đức, ỷ thế làm càn, hà hiếp dân lành, thầy từ mặt, đuổi ra khỏi nhà. Những trò chưa làm được điều gì có ích cho dân cho nước, thầy nghiêm khắc phê bình. Là thầy học của vua nhưng Chu Văn An không ỷ thế cậy quyền mà vẫn liêm chính, thanh sạch. Học trò nổi tiếng của thầy tiêu biểu là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Cả hai đều đỗ Thái học sinh khoa thi năm 1314 (thời vua Trần Minh Tông), đều làm quan to dưới triều Trần. Lê Quát làm đến chức Thượng thư. Sách “Đại Việt sử ký tiền biên” kể chi tiết dù đã là đại quan nhưng cả hai đến thăm thầy vẫn giữ phép cung kính, khiêm nhường. Thầy còn ngủ trên giường thì quỳ lạy đợi thầy thức; được nói chuyện với thầy thì lấy làm mãn nguyện. Những người học trò ấy chính là sự tiêu biểu cho chữ “Lễ”. Có nội dung rất rộng nhưng chữ “Lễ” được hiểu thông dụng là các chuẩn mực quy phạm đạo đức biểu hiện ở các nghi thức ứng xử một cách văn hóa. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ngày nay là dùng nghĩa của chữ “Lễ” ấy.

Ngày trước, hai chữ “Lễ” và “Nghĩa” như hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt mối quan hệ thầy trò. Với tình thầy trò Chu Văn An thì chữ “Lễ” đã đậm, dân gian liền sáng tạo ra huyền thoại thầy có học trò con vua Thủy Tề như là một cách tô thắm thêm chữ “Nghĩa”. Năm ấy trời đại hạn, kính thầy, thương dân điêu linh mà người trò ấy hóa phép vẩy nghiên mực lên trời làm mưa. Trời có làm cậu chết nhưng người trò ngoan ấy vẫn sống mãi trong dân gian cùng tôn vinh người thầy vĩ đại của muôn đời.

Mẫu mực tình nghĩa thầy trò của bậc “vạn thế sư biểu” trở thành nền móng cho ngôi nhà giáo dục nhân cách trong văn hóa Việt. Dù hôm nay bước sang thời văn minh công nghiệp 4.0 thì tấm gương ấy vẫn tỏa những ánh sáng bài học.

Về phía người thầy, để xứng đáng với vị trí được xã hội vinh danh “Không thầy đố mày làm nên”, thầy càng phải là tấm gương sáng trau dồi học vấn, lối sống trong sạch, ứng xử đúng mực, nghiêm túc. Phương pháp giáo dục tốt nhất được khoa học giáo dục hiện đại khẳng định vẫn là thầy giáo dục trò bằng chính nhân cách của mình. Ngày nay thế giới hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người nên vị thế người thầy càng được nhấn mạnh, đề cao. Ở thời đại tiếp biến văn hóa mạnh mẽ, ồ ạt những giá trị có thể thay đổi nhanh chóng thì người thầy phải là hằng số văn hóa mẫu mực để trò tin tưởng noi theo, học tập.

Về phía người trò, thì niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy là có trò giỏi giang, thành đạt. Thế nên kính yêu thầy càng phải nỗ lực học hành, tu dưỡng đạo đức tốt để trở thành công dân tốt. Từ xa xưa cha ông ta đã mong muốn, kỳ vọng “học một biết mười” tức đề cao cách học sáng tạo, học thầy để hơn thầy. Ngày nay càng phải thế. Cách nay hơn 6 thế kỷ mà học trò thầy Chu Văn An vẫn chẳng hơn thầy đó sao?

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dao-ly-thay-tro-644330