Đào nào cũng phải dán tem
Giá như việc truy xuất nguồn gốc đào rừng mà các địa phương khác làm như Sơn La thì tốt. Mong họ làm nhanh nhanh cho bà con nhờ.
Sơn La đã áp dụng dán tem chứng nhận nguồn gốc đào rừng do dân trồng. Ảnh minh họa: T.N
Tết sắp đến rồi, Kính cận và Kính viễn rủ nhau đi xem đào, vừa thăm dò giá cả thị trường vừa tranh thủ thư giãn ngắm hoa, ngắm lá cho yêu đời.
Ô hay, sao giá đào năm nay cao quá vậy. Dọc đường đê Nhật Tân vắng hẳn cảnh người người đứng bán lê, đào như mọi năm.
Kính viễn chợt vỗ tay đánh đét: Chính phủ cấm bán đào rừng nên cảnh đê khác lạ thế này đây. Vào vườn thì đào cũng cao thêm vài giá. Ai muốn chơi đào sớm, tầm này phải trả tới 600 - 700 ngàn đồng mới có cành đẹp.
Kính cận gật gù: Ông phân tích chí phải. Nhưng tôi thấy cấm là đúng, thấy đào rừng gốc mốc meo to bằng cổ tay ào ào chở xuống miền xuôi mà xót, khéo chặt vãn cả rừng rồi.
Kính viễn cười ha hả: Ông thật chả hiểu gì, đào gốc to hay gốc bé giờ đa phần người dân trồng hết ông ơi. Đào rừng tự nhiên còn mấy đâu. Ở miền núi trồng cái gì bán được ra tiền chả quý. Trồng đào là cách làm kinh tế tốt ông ạ. Giờ không bán được thì Tết đói thôi.
Kính cận: Chính phủ không cấm bán đào nhà, còn đào rừng có ít lại càng phải giữ, cấm là đúng. Cái khó là phân biệt thế nào. Đào gốc to, mốc xì giống đào rừng thì phải dán tem, đào vườn cành mượt, lá dài mướt mát thì thôi không cần dán có được không?
Kính viễn: Ông cứ rách việc, đào nào từ miền núi chở xuống cũng phải dán tem. Có tỉnh như Sơn La thông báo có 300 đồng một tem thôi ông ạ. Cán bộ vào tận vườn bà con chứng nhận nguồn gốc.
Kính cận: Thế hử, giá việc gì cũng làm nhanh, cũng truy xuất được nguồn gốc thế thì tốt. Nhưng mong các địa phương khác làm nhanh nhanh cho bà con nhờ, chứ chờ dán được cái tem lỡ mất vụ hoa thì Tết ấm no làm sao được. Mà việc này nếu thành công thì hóa ra bà con miền ngược lại ứng dụng công nghệ nhanh hơn miền xuôi ông nhỉ.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dao-nao-cung-phai-dan-tem-d493278.html