Đảo ngọc Cô Tô
Cách thủ đô Hà Nội hơn 250km, huyện đảo Cô Tô nằm ở giữa mặt biển phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí rất quan trọng về quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Cô Tô sở hữu hàng loạt bãi biển đẹp như: Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Vòm Si, bãi nằm giữa đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con...
GIÀU TIỀM NĂNG
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc. Huyện đảo Cô Tô có khoảng hơn 50 đảo, đá lớn nhỏ, có ngư trường nuôi ngọc trai và là quần đảo tiềm năng du lịch lớn của đất nước, với những bãi biển cát mịn và khu rừng nguyên sinh còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Vùng biển Cô Tô gần các ngư trường lớn, với trên 300km2 là diện tích ngư trường dành cho đánh bắt, khai thác thủy sản. Nguồn lợi và trữ lượng thủy sản dồi dào với hơn 1.000 loại, trong đó trên 60 loài có giá trị kinh tế cao như các loại cá: Song, hồng, chấm lang, chim, thu, nục và nhiều loại giáp xác, nhuyễn thể quý hiếm khác như: Ngọc trai, bào ngư, tôm hùm, hải sâm... Lợi thế này tạo điều kiện thuận lợi để Cô Tô phát triển kinh tế thủy sản.
Vẻ đẹp hùng vĩ, thuần khiết của biển ở mũi đá Móng Rồng - ảnh nguồn baoquangninh.com.vn
Đặc biệt, thiên nhiên còn ưu đãi cho Cô Tô nguồn nước ngọt khá dồi dào, đủ để cung cấp cho người dân sống trên hòn đảo có diện tích đất nổi 4.620 ha này. Huyện có 13 con suối dài từ 1km trở lên, trong đó đảo Thanh Lân có 9, đảo Cô Tô có 3 và đảo Cô Tô con có 1 con suối. Số lượng hồ chứa nước mặt là 20 hồ phục vụ nước sinh hoạt và tưới tiêu. Khả năng sinh thủy khá lớn, vào khoảng 48 triệu m3/năm. Trữ lượng nước ngầm tính cho toàn quần đảo vào khoảng 10,65 triệu mét khối. Mực nước ngầm có độ cao lớn nhất là 4,5m và thấp nhất là 2m. Chính vì thế, không như nhiều hòn đảo khác, người dân trên đảo Cô Tô không phải sống trong tình trạng thiếu nước.
Ngay sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội, UBND huyện Cô Tô đã triển khai các hoạt động cho mùa du lịch hè 2020, như nâng cấp và tăng cường hiệu quả website, fanpage du lịch; duy trì tin nhắn SMS hỗ trợ khách du lịch, đưa bộ quy tắc ứng xử du lịch đi vào cuộc sống, đẩy mạnh quảng bá, chuẩn bị cho các tổ chức, nhiều hội nghị xúc tiến, kích cầu du lịch Cô Tô… Một số hãng tàu từ cảng Vân Đồn đi đảo Cô Tô đã thực hiện giảm giá vé cho du khách, như hãng tàu Mạnh Quang và Ka Long giảm giá từ 250 ngàn đồng/vé còn 200 ngàn đồng/vé. Các cơ sở lưu trú hầu hết giảm từ 30-50% giá phòng; dịch vụ ăn uống giảm từ 10-15%.
Trong chuỗi hoạt động của Tuần du lịch hè Cô Tô 2020 là các hoạt động khai trương tàu cao tốc 5 sao tuyến Tuần Châu - Cô Tô với sức chứa 300 khách, trang thiết bị hiện đại, chạy được trong điều kiện sóng gió cấp 7. Giải thể thao như marathon với chủ đề “Vì một Cô Tô Xanh hãy nói không với túi nilon” và phát động tham gia dọn vệ sinh môi trường...
KHU BẢO TỒN BIỂN
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Quyết định số 1614/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh.
Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần được phê duyệt với mục đích bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị đa dạng sinh học. Đặc biệt là đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; nét đẹp, cảnh quan tự nhiên độc đáo của vùng biển Cô Tô, đảo Trần phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, cũng như tăng cường vai trò cộng đồng quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Cụ thể, Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần gồm 2 phân vùng là Cô Tô và đảo Trần, với tổng diện tích ranh giới quy hoạch trên 18.414 ha (diện tích các phân khu bảo tồn 13.230 ha, diện tích vùng đệm trên 5.184 ha). Trong đó, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt gần 3.220 ha; phân khu phục hồi sinh thái 3.245 ha; phân khu dịch vụ, hành chính trên 6.765 ha.
Thanh Trà (tổng hợp)
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dao-ngoc-co-to-6528