Đảo ngọc 'thất thủ'!

Người dân ở đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang còn được gọi tên là 'Đảo Ngọc' đã phải sống chung với 'đại hồng thủy', trong những ngày đầu tháng 8-2019, sau đợt mưa lớn và kéo dài nhất trong vòng 100 năm qua. Lượng mưa kỷ lục, cộng với tác động của con người, đã làm cho đảo ngọc 'thất thủ'.

 Mưa kỷ lục, lớn hơn trung bình nhiều năm đã khiến đảo ngọc “thất thủ”, nhiều tuyến đường cùng hàng ngàn nhà cửa bị ngập (2019).

Mưa kỷ lục, lớn hơn trung bình nhiều năm đã khiến đảo ngọc “thất thủ”, nhiều tuyến đường cùng hàng ngàn nhà cửa bị ngập (2019).

Nước mưa mất dần đường thoát

Phú Quốc tuy gọi là đảo, nhưng là đảo lớn có diện tích gần bằng quốc đảo Singapore. Phú Quốc có đủ chủng loại địa hình như núi cao, bình nguyên, thung lũng, đồng bằng, khe suối, sông ngòi, kênh rạch... Vì vậy khi gặp các trận mưa đạt đến độ có khả năng sinh dòng chảy mặt hình thành lũ, thì tốc độ tập trung nước từ sườn núi vào khe suối, vào sông ngòi, về thung lũng, về đồng bằng... rồi tiêu thoát ra biển cũng tuân theo quy luật của các lưu vực sông, có độ “trì trệ” trên đường lũ vận động.

Ngoài ra, đóng góp rất tích cực và không nhỏ làm tăng độ “trì trệ” này là các hệ thống công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi, tiêu thoát nước đô thị, sự kiệt quệ rừng đầu nguồn.

Mưa trong chín ngày từ ngày 1 đến ngày 9-8-2919 tại Phú Quốc là 1.120 mi li mét, bình quân một ngày mưa khí tượng (dài 24 tiếng đồng hồ được tính từ 19 giờ hôm trước tới 19 giờ hôm sau) là 124,4 mi li mét/ngày, trong đó trận mưa ngày 9-8-2019 là 358 mi li mét, đạt mức kỷ lục từ khi có số liệu đo mưa tại Phú Quốc. Trong quá khứ, tại Phú Quốc cũng có các trận mưa ngày cực lớn: trận mưa ngày 17-8-1990 là 248,9 mi li mét; trận mưa ngày 6-8-2000 là 200 mi li mét; trận mưa ngày 22-8-1997 là 327 mi li mét.

Lượng mưa bình quân trong 10 ngày đầu tháng 8 trong nhiều năm qua tại Phú Quốc là 148 mi li mét. Như vậy đợt mưa cực đoan vừa qua (do cường độ gió Tây Nam hoạt động mạnh) tại Phú Quốc đạt hai mốc kỷ lục: có tổng lượng mưa cả đợt lớn nhất và có lượng mưa trong ngày lớn nhất từ trước tới nay tại Phú Quốc (trong chuỗi số liệu đã quan trắc được).

Hiện tại, toàn đảo chỉ có công trình hồ chứa nước Dương Đông, ngoài nhiệm vụ cấp nước còn có nhiệm vụ phòng chống lũ cho hạ du. Hệ thống đê ngăn lũ gần như chưa được xây dựng. Hiện nay, cao trình bờ bao dọc theo các sông suối tự nhiên thấp so với yêu cầu, nhất là trong mùa mưa, dòng chảy trên các sông suối từ thượng nguồn chảy về có mực nước ngoài sông cao, kết hợp với tác động của triều cường, mặt cắt các tuyến thoát nước bị thu hẹp.

Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003. Đến nay, Phú Quốc đã phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất nên hệ thống hạ tầng về thoát nước trở nên cũ kỹ, quá tải.

Mặt khác, các khu vực này trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp, nay bị san lấp, xây dựng. Hệ thống hố ga thoát nước cũng vì thế thường xuyên bị đầy và tắc nghẽn do rác thải và đất, cát từ các công trình xây dựng. Tình trạng người dân xây dựng nhà cửa ven bờ sông, suối (đặc biệt tại khu vực sông Dương Đông, Cửa Cạn) cản trở dòng chảy, từ đó làm giảm khả năng tiêu thoát nước lũ khi có lũ từ thượng nguồn chảy về, cũng nghiêm trọng.

Theo quy hoạch thủy lợi đảo Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt năm 2013, đến năm 2020 Phú Quốc hoàn thành công tác nâng cấp hồ chứa nước Dương Đông, xây dựng mới các hồ chứa Cửa Cạn, Rạch Cá và Suối Lớn. Các hồ này vừa làm nhiệm vụ tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất, vừa làm nhiệm vụ phòng lũ cho hạ du của từng lưu vực tương ứng.

Tổng dung tích phòng lũ thiết kế của bốn hồ này 13,87 triệu mét khối và tổng lưu lượng xả lũ thiết kế là 795 mét khối/giây. Nhưng hiện chỉ có hồ chứa nước Dương Đông được hoàn thành.

Giải pháp phòng, chống lũ

Giải pháp phi công trình:

- Các vùng thấp trũng thường hay bị ngập úng trong mùa mưa cần thay đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng cho phù hợp nhằm tránh né thời gian ngập lũ.

- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn nhằm tăng cường khả năng trữ nước và làm chậm quá trình tập trung dòng chảy.

- Thiết lập hệ thống cảnh báo lũ gồm hệ thống quan trắc và hệ thống thông tin liên lạc nhằm cảnh báo sớm khi lũ xảy ra.

- Nâng cao ý thức cộng đồng dân cư, tránh tình trạng xả rác thải làm bồi lấp các cửa thu gom nước của hệ thống tiêu thoát nước đô thị.

- Nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn từ cấp huyện đến cấp xã, cắt cử người có năng lực túc trực 24/24 giờ, đáp ứng tốt phương châm bốn tại chỗ trong thời kỳ mưa lũ, đặc biệt là thời điểm diễn biến thời tiết bất thường.

- Xây dựng bản đồ cảnh báo và phân vùng ảnh hưởng của lũ quét tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét. Lập phương án đối phó và di dời dân khi có lũ xảy ra.

Giải pháp công trình:

- Đối với khu vực có địa hình dạng đồi núi, dốc, xen kẽ là những khu vực thấp trũng như đảo Phú Quốc, thì giải pháp công trình phổ biến và hiệu quả là xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn các sông suối - các hồ chứa này ngoài nhiệm vụ cấp nước phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, thì nhiệm vụ phòng chống lũ cũng được phát huy rất tốt.

- Xây dựng các hồ chứa (Cửa Cạn, Rạch Cá và Suối Lớn) như quyết định phê duyệt quy hoạch thủy lợi đảo Phú Quốc đến năm 2020 để đảm bảo phòng chống lũ cho hạ du khi có mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn.

- Nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo theo kịp với tốc độ phát triển đô thị trên đảo.

- Quy hoạch bố trí lại dân cư (đối với các hộ dân đã và đang lấn chiếm lòng sông, suối để xây dựng nhà cửa), kết hợp khơi thông các sông, suối là những trục tiêu chính nhằm đảm bảo hành lang thoát lũ và năng lực thoát lũ cho vùng hạ du các hồ chứa sau khi xây dựng.

- Giải pháp san nền: chọn cốt xây dựng, theo quy phạm hiện hành, cốt khống chế xây dựng HXD > HMax 1% + 0,5 mét. Căn cứ theo số liệu thủy văn mực nước cao nhất tại Phú Quốc cho đến hiện nay HMax = 2,20 mét, căn cứ vào đặc điểm địa hình, hiện trạng xây dựng và các dự án xây dựng trên đảo đã được phê duyệt, chọn cốt khống chế xây dựng của đảo là HXD lớn hơn hoặc bằng 3 mét.

Đối với các đô thị trên đảo, căn cứ vào địa hình cụ thể tại từng đô thị để xác định cốt xây dựng. Phương án san nền, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, các khu vực dự kiến phát triển đô thị đều có cao độ địa hình tự nhiên > 3 mét nên phương án san nền là san lấp cục bộ tạo mặt bằng xây dựng cho từng khu vực, nhằm giảm thiểu khối lượng đào đắp.

Tóm lại, tuy trận mưa vừa rồi là lớn nhất lịch sử, nhưng chưa phải là các trận mưa, các đợt mưa “tới hạn” khi hội tụ được tất cả các yếu tố khí tượng có cường độ mạnh nhất kết hợp lại ở trạng thái tối ưu. Những trận mưa “tới hạn” này có thể gây ra các trận lũ lụt “đại hồng thủy” có khả năng tàn phá ghê gớm hơn nhiều.

Tô Văn Trường

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292812/dao-ngoc-that-thu-.html