Đảo Ngọc và nỗi buồn'ngập nhựa'
Đảo Ngọc Phú Quốc, thành phố biển đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, nức tiếng với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ, được thiên nhiên ưu ái với nhiều bãi biển và cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, điểm đến này đang phải 'vật lộn' với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng nhức nhối.
Dinh Cậu ngổn ngang rác nhựa
“Tọa đại thạch đầu quy danh hiển/Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Tạm dịch nghĩa: Dinh cậu nằm ở vị trí đầu mỏm đá giống như đầu con rùa hiển linh, tiếng tăm của của Dinh cậu vang danh khắp bốn phương bể trời).
Du khách đặt chân đến đảo Ngọc Phú Quốc chắc hẳn đều đã từng nghe tới hoặc tận mắt chứng kiến cặp câu đối này tại cổng Dinh Cậu (nằm ở Khu phố 2, thị trấn Đông Dương), một điểm tham quan nổi tiếng tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Điểm đến tâm linh này nức tiếng với du khách trong và ngoài nước bởi khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, đón gió bốn mùa, bãi cát trắng trải dài dọc bờ biển, sóng vỗ về lên nét cổ kính rêu phong của ngôi miếu Dinh Cậu đã trải qua bề dày lịch sử gần một thế kỷ.
Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách, Dinh Cậu những năm nay đã và đang là một trong những “điểm nóng” ô nhiễm rác thải nhựa. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đi dọc theo con đường từ miếu Dinh Cậu về phía cửa biển, rác thải nhựa trôi nổi với số lượng lớn ở trên mặt nước biển, chủ yếu là cốc nhựa, ống hút, hộp xốp đựng đồ ăn mang đi, … và một số loại rác thải nhựa khác.
Phía trong Dinh Cậu, mặc dù đã bố trí những chiếc thùng rác với thông điệp “Hãy bỏ rác vào thùng” nhưng ống hút, cốc nhựa, vỏ hộp, mảnh xốp… bị vứt đi vẫn rải rác tại các hốc đá, trên bậc thang,… ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Nhiều du khách đến tham quan, vãn cảnh tại điểm đến này đã không khỏi bày tỏ sự thất vọng.
“Khi tìm hiểu để du lịch Phú Quốc, tôi nghe nói rằng Dinh Cậu là một nơi không thể bỏ qua. Nhưng khi đến đây, tôi cảm thấy hụt hẫng vì không đẹp như kỳ vọng, rác thải nhựa đã khiến cảnh quan nơi đây trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu”, chị Lan, một du khách tới từ Hà Nội nhận xét.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, có nhiều nguyên nhân khiến Dinh Cậu “ngập rác” nhưng có hai nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất. Thứ nhất, thị trấn Đông Dương với lượng dân cư sống ven 2 bờ sông đông đúc, số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven bờ sông, bởi vậy chất thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày của cư dân ven sông và phần lớn nước thải trên đảo đều đổ xuống sông Dương Đông trước khi chảy ra biển tại cửa Dinh Cậu.
Thứ hai, các hoạt động du lịch như kinh doanh nhà nghỉ, khu du lịch, nhà hàng, … gần bãi biển Dinh Cậu cũng góp phần xả thải ra một lượng lớn rác nhựa. một bộ phận du khách thiếu ý thức đến tham quan, sau khi ra về đã để lại nhiều rác trên bờ, mé biển…
Một số nguyên nhân khác còn là do tàu thuyền ngư dân đi qua lại xả rác thẳng xuống biển, rác thải nhựa từ những nơi khác bị sóng và gió xô dạt vào gần bờ biển… Qua một thời gian dài tích tụ, rác thải nhựa tăng lên đáng kể về số lượng, gây ô nhiễm, mất cảnh quan.
“Tại những điểm du lịch công cộng như Dinh Cậu, mặc dù đã tổ chức dọn rác, nhặt rác nhiều lần nhưng rác biển ngày càng nhiều chứ không thể ít hơn được vì đồ nhựa dùng một lần ngày càng nhiều. Thông thường, ở những điểm du lịch bãi biển công cộng, người dân tự dọn rác thải nhựa rất ít”, theo chia sẻ của anh Trần Văn Sanh,Trưởng nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh – một cộng đồng người dân sinh sống và làm việc trên đảo thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn rác, làm sạch biển.
“Theo tôi được biết, khoảng 3 – 4 năm trở lại, tình trạng rác thải nhựa của Phú Quốc mới thực sự trở nên trầm trọng hơn”, anh Sanh nói.
Đối ngược với hình ảnh sạch rác tại một số bãi biển nổi tiếng tại Phú Quốc – nơi thường xuyên có người dọn dẹp, các bãi biển ít được du khách quan tâm lại trở thành những “điểm ghé thăm” của rác thải, trong đó chủ yếu là rác nhựa.
Đơn cử tại một số bãi biển tự phát ở Hòn Mây Rút Trong, Hòn Một, … đều ghi nhận tình trạng rác thải nhựa tích tụ, ngổn ngang. Theo phản ánh của người dân đảo, dù họ đã dọn dẹp nhưng rác thải nhựa trên biển vẫn tăng lên, trong đó có rất nhiều rác nhựa từ nơi khác trôi vào bờ rất nhiều.
Đi dọc các con đường trên đảo, cũng xuất hiện hình ảnh rác thải xuất hiện ngổn ngang ở ven đường, ven sông, ven chợ, trước nhà dân,…, phần lớn trong đó là rác thải nhựa.
Chị Nguyễn Thúy Uyên, một thành viên của nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh và đồng thời đang công tác tại khách sạn Mövenpick Phú Quốc, cho hay: “Gần khách sạn tôi làm việc có một bãi rác, thời điểm tập kết rác vào khoảng từ tầm chiều đến 6h sáng nên mùi hôi thối bay tới khách sạn, khiến ảnh hưởng đến khách du lịch”.
Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên tìm tới bãi rác nêu trên mà người nơi đây thường gọi là “bãi rác Ông Lang”. Tại đây, phóng viên chứng kiến cảnh những “núi rác” trùng trùng điệp điệp, mùi hôi thối đặc trưng nồng nặc, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhà dân sinh sống, chăn thả gà.
Dễ nhận thấy trong bãi rác khổng lồ là đủ loại màu sắc trắng, xanh, vàng, đỏ của những bọc túi ni lông, hộp xốp, cốc, chai nhựa,… Theo chia sẻ của người dân sống gần bãi rác, hàng ngày xe rác thu gom rác và đem đến đây đổ vài chuyến.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong những bãi rác “lộ thiên” tại đảo Phú Quốc, đáng nói rác được đem đến đây là rác đã được thu gom; còn những rác thải không được thu gom, bị vứt ngổn ngang tại các bãi biển công cộng, khu vực ít có hoạt động khai thác kinh doanh, vẫn còn bỏ ngỏ.
“Hiện, nhà máy rác duy nhất của thành phố đang tạm nghỉ không thời hạn nên việc xử lý rác không được giải quyết triệt để. Rác ở đây đốt rất ít, không chôn lấp, nên gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Những người mua ve chai ở đây cũng không nhiều bởi vì sau khi thu mua họ sẽ phải mất chi phí chuyển vào đất liền để xử lý, do đó giá vé chai ở đây rất thấp, nên ít người thu gom rác ở nơi công cộng”, anh Sanh cho biết.
Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách, “nạn nhân” cuối cùng chính là biển.
Hệ lụy tới hệ sinh thái biển
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề ô nhiễm nhựa, Giám đốc của Vườn Quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp cho biết, hiện nay, rác thải nhựa đang hiện diện trên bờ, sông suối và cả trên biển với số lượng không ít, trong đó có hiện diện trên các rạn san hô, thảm cỏ biển – hai hệ sinh thái quan trọng và phân bổ nhiều tại vùng biển Phú Quốc, cũng là nơi sinh sản, ương dưỡng, sinh sống của nhiều loài sinh vật biển.
“Đối với các rạn san hô, thảm cỏ biển, rác thải nhựa ngăn chặn ánh sáng và oxy khiến tảo hay cỏ biển không thể thực hiện quá trình quang hợp tạo ra chất dinh dưỡng; làm cho tảo chết, san hô bị tẩy trắng và cỏ biển tương tự vậy cũng sẽ chết. Rác thải nhựa đang khiến các rạn san hô và cỏ biển yếu dần, điều này đồng nghĩa với môi trường sống của hàng ngàn sinh vật sống cộng sinh với hệ sinh thái nói trên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Tiệp cho hay.
Theo đó, Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng khẳng định ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy hải sản và đời sống của người dân ven biển và trên đảo theo nhiều cách khác nhau. Đơn cử, sinh vật biển như rùa biển, cá, chim, thú… ăn phải rác nhựa vì nhầm lẫn là thức ăn, gây giảm hấp thu dinh dưỡng, gây tắc ruột, có thể dẫn đến sinh vật bị chết.
Các ngư cụ đánh bắt như lưới hỏng, lưới trôi hay do tàu chìm lơ lửng trong nước, trở thành những tấm “lưới ma”, bám lên các rạn san hô, làm chết san hô hoặc ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường biển (vướng vào chân vịt).
Khi các loại rác thải nhựa trôi dạt vào bờ với số lượng lớn, chúng sẽ gây ô nhiễm nhựa ở các bãi biển, gây mất mỹ quan. Đặc biệt là các bãi biển có nhiều du khách đến tham quan như Phú Quốc, ảnh hưởng đến du lịch địa phương.
Nếu không thể ngăn chặn hoặc có biện pháp xử lý, rác nhựa có thể gây ra sự suy giảm về đa dạng sinh học của khu vực biển, cũng như ô nhiễm nhựa tại các bãi biển/biển trong khu vực, tác động trực tiếp lên sinh vật biển, gián tiếp lên con người về sức khỏe, kinh tế và xã hội.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dao-ngoc-va-noi-buonngap-nhua-post462886.html