Cứ đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, người dân thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm lại nhộn nhịp ra vườn “thay áo mới” cho cây đào phai.
Đây được xem là công đoạn quan trọng để cây đào nở hoa đúng thời điểm, bán được giá cao, cung ứng vào dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Bà Hoàng Thị Hoa ở thôn Xuân Sơn cho biết: Gia đình hiện có hơn 200 gốc đào phai, hàng ngày tôi phải huy động 3 thành viên trong nhà tiến hành tuốt lá. Việc tuốt lá cho đào đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công; phải làm từng cây đào, từng nhánh một. Mỗi ngày một người có thể tuốt được chừng 4 - 5 cây đào. Khi tuốt hết lá thì dinh dưỡng của cây sẽ tập trung vào búp nên đào sẽ nở hoa đúng thời điểm.
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, người dân chăm sóc kỹ nên cây đào phát triển tốt, nhiều lá. Song, việc tuốt lá lại khá cực vì chủ yếu làm bằng thủ công.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Trà hiện có hơn hơn 1.000 gốc đào, trong đó có hơn 250 gốc có độ tuổi từ 2 – 3 năm sẽ bán ra thị trường trong dịp Tết này. Đây là nguồn thu nhập khá cao cho gia đình nên thời điểm này, ông Trà phải thuê 3 – 4 lao động ra vườn tuốt lá, tiền công từ 300 - 350 nghìn đồng/ngày.
“Dự báo thời tiết từ nay đến tết Nguyên đán xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại nên việc “thay áo mới” được tôi tiến hành trước hơn một tuần để đào đâm chồi, nảy lộc đúng dịp. Chúng tôi cũng đang tập trung tỉa bớt lá già, loại bỏ cành khô và chăm sóc cây” – Ông Trà cho hay.
Việc tuốt lá được các hộ thực hiện tùy vào độ tuổi của cây; từng cây cũng phải lựa chọn tuốt cành non, yếu trước, cành già, khỏe sau.
Trồng đào không vất vả, tốn kém như cây cảnh khác nhưng người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện mỗi công đoạn.
Đào phai là được xem là nguồn thu nhập chính đối với những hộ trồng ở thôn Xuân Sơn, do vậy việc chăm sóc được bà con đặt lên hàng đầu vào thời điểm này.
Xã Cổ Đạm được coi là “thủ phủ” trồng đào của huyện Nghi Xuân với gần 130 hộ dân trồng từ 50 - 1.000 cây/hộ, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Sơn. Vào dịp tết, đào phai mang lại thu nhập cho người dân bình quân từ 50 - 300 triệu đồng.
Nghề trồng đào gắn bó lâu đời với người dân địa phương, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Đào phai ở xã Cổ Đạm có màu hồng nhạt, nụ hoa to, cánh đẹp và lâu tàn, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đầu năm 2024, sản phẩm đào phai Xuân Sơn xã Cổ Đạm được huyện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Trọng Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm
Hữu Trung