Đạo Phật tiếp cận với đời sống

Mục đích của đạo Phật là giải thoát khỏi vô minh để sống hạnh phúc và tạo hạnh phúc cho mọi chúng sanh khác.

Người Phật tử tiếp cận đời sống bằng những suy nghĩ, lời nói, hành động thiện lành, Ảnh HKST

Đời sống ngày nay đưa chúng ta đối diện với những thử thách của sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất giải quyết một số vấn đề cho cuộc sống nhưng lại tạo ra nhiều vấn đề khác. Nó kích thích lòng ham muốn của chúng ta. Lòng ham muốn này giam hãm chúng ta, phá hoại sự độc lập và tự do của chúng ta. Thêm vào đó, lối sống lấy vật chất làm chính, với tính cách trục vật để bồi dưỡng cho bản thân, chẳng những phá hoại môi trường sống của loài người mà còn phá hoại đời sống của những loài chúng sanh khác một cách trầm trọng.

Với đạo Phật, loại hạnh phúc dựa vào những thỏa mãn giác quan, và quy về bản ngã, phá hoại hạnh phúc của những chúng sanh khác không phải là hạnh phúc chân thật. Loại hạnh phúc này có tính phiến diện, hạn hẹp, tạm bợ, và đi ngược với đạo đức căn bản là tôn trọng sự sống. Đạo Phật hướng đến một thứ hạnh phúc chân thật, vững bền và có ý nghĩa thật sự.

Thứ hạnh phúc này được Dharmachari Lokamitra, người sáng lập và Chủ tịch Hội Jambudvipa Trust, Ấn Độ, diễn tả như sau:

“Một loại hạnh phúc thật hơn phát khởi từ một đời sống khéo léo và trong sạch, có một lương tâm trong sáng, lòng độ lượng và giúp đỡ tha nhân, tình bằng hữu, và nỗ lực sáng tạo. Có niềm vui tinh thần đến từ thiền quán để cuối cùng đưa đến giác ngộ, niềm hạnh phúc cao cả nhất mà con người có thể đạt được. Đời sống của người Phật tử tiến bộ từ việc nhận thức rằng cuộc sống bị chi phối bởi điều kiện tự bản chất không thỏa mãn cho việc vĩnh viễn thoát khỏi khổ”. (Phật giáo và giáo dục Phật giáo trong việc tăng trưởng Tổng hạnh phúc quốc gia).

Một cách tổng quát, quan điểm sống đúng của đạo Phật không khác với những hệ thống đạo đức khác, có thể được tóm gọn trong bốn câu kệ trong kinh Pháp cú:

Không làm các việc ác

Gắng làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Là lời chư Phật dạy.

Tuy nhiên, cách tiếp cận với những vấn đề của đời sống, đạo Phật có con đường riêng: con đường Trí tuệ.

Con đường Trí tuệ này được đặt nền tảng trên cái thấy rằng “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”. Tánh Phật là tánh giác.

Với đạo Phật, khổ, cũng như mọi thứ trong đời sống, vốn không có nền tảng chân thật. Tánh chúng vốn trống không, nói như Tuệ Trung Thượng Sĩ khi trả lời Trần Nhân Tông về tội và phước:

Như khi người leo cây

Trong an tự cầu nguy.

Như người không leo cây

Trăng gió có làm gì?

Chỉ vì tham lam, sân giận và si mê mà con người đã tự tạo ra một thế giới khổ cho mình, cho người, cho các loài chúng sanh. Cách giải quyết những đau khổ trong cuộc sống của đạo Phật là nhìn rõ sự thật về đời sống để sống một đời sống đúng đắn, có ý nghĩa, tức trở về với tánh Phật vốn có nơi mỗi chúng sanh.

Trên con đường trở về với tánh Phật, người Phật tử thực hành ba môn học được Đức Phật chỉ dạy là giới, định và tuệ.

Người Phật tử giữ giới, tu định, để tròn vẹn trí tuệ là tánh giác, tức tánh Phật. Giới là điều đầu tiên trên con đuờng, bao gồm việc sửa đổi suy nghĩ, hành động và lời nói. Định là rèn luyện tâm tỉnh thức để có thể đi sâu vào cái biết. Tuệ là giác ngộ tánh không, vô ngã, nhìn thấy tính bất nhị, nhất thể giữa mình và người, cũng như với tất cả chúng sanh và thế giới, từ đó khởi lên tình thương cao cả, toàn khắp.

Ba thực hành này không nhất thiết tuần tự trước sau mà bao hàm trong nhau và liên quan mật thiết. Trong giới có định, có tuệ; trong định có giới, có tuệ; và trí tuệ hay tánh giác, tánh không thì bao hàm giới, định, và có tiềm năng của bốn tâm vô lượng, sáu ba-la-mật và phương tiện thiện xảo.

Với giới và định, người Phật tử tiếp cận đời sống bằng những suy nghĩ, lời nói, hành động thiện lành, hữu ích trong một tâm thức luôn luôn tỉnh giác, an hòa. Với tuệ, người Phật tử thấy tất cả chúng sanh là một, tất cả đời sống là một toàn bộ, khởi lòng thương yêu đời sống của tất cả chúng sanh, và từ đó có thể xả thân để làm lợi ích cho mỗi và mọi chúng sanh.

Đạo Phật là con đường giải thoát khổ đau của đời sống nhưng không loại bỏ đời sống. Giới, định, tuệ của đạo Phật không tách rời mà thấm vào đời sống, làm cho đời sống thăng hoa. Dharmachari Lokamitra viết:

“Bất cứ nơi nào Phật giáo truyền đến thì Tăng-già có mặt, và qua gương tu tập và làm việc của họ, một mức độ cao hơn về đời sống đã đến với số đông dân chúng, nâng chất lượng sống lên những mức độ cao hơn, vượt khỏi đời sống đặt nền tảng trên giác quan thô thiển”.(sđd)

Để có được đời sống lý tưởng như đã nói, người Phật tử phát tâm Bồ-đề, giữ giới và thực hành thiền quán. Thiền là đi vào trạng thái định hay tỉnh giác để đạt đến trí tuệ, là cái thấy nhất thể, toàn diện, trống không, đồng thời là tương dung, tương nhiếp.

Như vậy, chúng ta thấy bên cạnh tâm Bồ-đề, sự tỉnh giác là cỗ xe và con đường trong việc tu Phật. Tỉnh giác càng tinh thuần, tánh giác hay tánh Phật càng hiển lộ, tánh không, tình thương và hạnh phúc càng rõ ràng và trùm khắp. Lúc bấy giờ định với tuệ là một.

Cộng đồng chúng sanh giống như những bông sen mọc lên từ đáy nước. Có những bông còn chìm sâu, có những bông sắp sửa lên khỏi mặt nước, có những bông đã ra khỏi mặt nước. Đời sống tinh thần của con người cũng giống như vậy, và đạo Phật giải quyết sự khổ của mọi căn cơ của chúng sanh bằng con đường giới, định, tuệ như đã trình bày.

Và khi đạt được trí tuệ chân thật, thấy tất cả chúng sanh là một trong cái biết trống không, không phân biệt ta và người, với tâm từ bi trùm khắp, với sự tự do lớn lao và phương tiện thiện xảo, người Phật tử sẽ làm lợi ích cho đời sống không giới hạn.

Với đạo Phật, chỗ tận cùng của hạnh phúc, tự do, không còn chướng ngại là trạng thái Niết-bàn.

Niết-bàn nói chung là sự thức tỉnh khỏi vô minh, chấm dứt những ràng buộc của ham muốn, xóa sạch ô nhiễm, trở nên hoàn toàn bình an, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau, và không còn sinh lại trong khổ đau.

Riêng đối với Phật giáo Đại thừa, sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau chỉ có được khi tất cả chúng sanh không còn khổ đau.

Do đó con đường Niết-bàn của Đại thừa là con đường vô cùng. Vì là con đường vô cùng nên hành giả Đại thừa tìm và sống với Niết-bàn ngay trên con đường. Trên con đường đó, người hành giả Đại thừa thấy luân hồi và Niết-bàn không tách rời nhau, nhận ra và sống với Niết-bàn ngay trong luân hồi.

Với Đại thừa Trung quán, vì không thấy được tánh duyên khởi của các pháp nên chúng ta bám chấp vào những thứ không có nội hàm chân thật, ảo ảnh, từ đó chúng ta khổ đau. Chỉ nhìn ra tính duyên khởi, nhận rõ tánh không của mọi pháp, chấm dứt mọi chấp trước buộc ràng, thì ngay trong đời sống này là tịch diệt và an vui.

Với Đại thừa Viên giáo như Thiên thai, Hoa nghiêm và Thiền, thế giới cũng là chân như, là hình ảnh của tâm, vốn trống không tịch tĩnh. Vạn pháp do tâm tạo, tâm vốn thanh tịnh nên vạn pháp cũng thanh tịnh trong huyễn hóa.

Nói chung, con đường của đạo Phật Đại thừa là con đường nhận ra tánh không hay nói rõ hơn là nhận ra tánh chân không diệu hữu của mọi pháp. Đó cũng là “chữ Như” của Hòa thượng Phước Hậu: “Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ”.1

Thiền sư Chân Nguyên thế kỷ thứ XVII nói về cái không đó:

“Đó là cái Chân không vô tướng, là cha mẹ của trời đất muôn vật, làm nền tảng cho thế giới sanh linh, suốt cả xưa nay chẳng sinh chẳng diệt… Ẩn hiển cùng bày, sắc không chẳng hai, trời đất muôn vật chỉ một thể nguyên thần, vô vi vô trụ. Chợt lộ mặt thật xưa nay, lìa danh lìa tướng, mở toang then chốt trên đảnh môn hướng thượng, đèn tâm của Phật, Tổ truyền sáng mãi không cùng. Lúc hiển mà nói thì có tám vạn pháp môn, khi mật mà ngộ thì chỉ bốn mắt nhìn nhau”.

Và khi đã sống được với cái trống không đó, mọi sự tiếp cận của đời sống đều thiêng liêng, đều mở bày ra trong tính chất đơn giản, thuần túy, kết nối và tròn vẹn, đồng thời toát ra hương vị từ, bi, hỷ, xả, đem đến sự phúc lạc cho cuộc đời vốn nhiều ngăn ngại.

Khi vua Lý Thái Tông hỏi Thiền sư Thiền Lão: “Hàng ngày Hòa thượng làm việc gì?” Sư đáp: “Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh. Trăng trong mây bạc lộ toàn chân”.

Còn đạo Phật của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chánh thế kỷ thứ XIX là:

Đắc nó ở tâm

Ứng nó ở tay

Trời đất lâu dài,

Cứ hễ canh năm gà gáy sáng

Xuân về hoa núi nở ngàn nơi.

(Pháp hoa đề cương)

Một vị Tăng thưa với ngài Triệu Châu: “Con mới đến chùa này, xin Hòa thượng chỉ dạy.” Ngài Triệu Châu hỏi: “Ăn cháo chưa?” Vị Tăng trả lời: “Thưa rồi.” Ngài Triệu Châu nói: “Vậy rửa chén đi!”

Và đây là sự tiếp cận của cư sĩ Bàng Uẩn, một vị cư sĩ đắc đạo, với đời sống:

Việc ngày không gì khác

Tự nhiên hòa hợp cùng

Không có gì lấy, bỏ

Chốn chốn mặc thong dong

Chẳng kêu ca tím đỏ

Gò núi mảy bụi không

Bửa củi và gánh nước

Diệu dụng với thần thông.

Thiền sư Ryokan (1758-1831) ra ngoài trở về, bắt gặp kẻ trộm trong am. Trước sự hoảng hốt của kẻ trộm, ngài nói: “Có lẽ anh đã đi một quãng đường xa để đến đây, anh không nên về không như thế. Hãy nhận chiếc áo của tôi”. Ngài cởi áo đưa cho. Kẻ trộm bàng hoàng, nhận áo rồi lẩn đi. Thiền sư Ryokan ngồi trần ngắm trăng, nghĩ thầm: “Ước gì ta có thể cho anh ấy mặt trăng đẹp này”.

Đạo không tách lìa đời. Và nói như Alan Watts: “Ý nghĩa của đời sống chỉ là sống”.2 Và đó là Thiền. Đó cũng là từ bi. Nói rõ hơn, đạo Phật chính là đời sống. Từ bi và giải thoát nằm ngay trong đời sống. Nhận ra đời sống là nhận ra từ bi và giải thoát, là nhận ra đạo Phật, nhận ra vô lượng Bồ-tát từ đất vọt lên như được tuyên thuyết trong kinh Pháp hoa.

Thị Giới

______________

(1) “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư,

Năm nay nghĩ lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ”.

(2) The Culture of Counter-Culture.

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//nguyetsan/vanhoa/2019/12/01/1654d3/