Đảo Phú Quý hết xăng: Chính quyền nói một đằng, quản lý thị trường bảo một nẻo
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận nói nguyên nhân hết xăng ở huyện đảo Phú Quý là do công ty đầu mối không cung cấp đủ đơn hàng đã đặt. Trong khi đó, người phát ngôn huyện đảo Phú Quý cho biết do thời tiết xấu, tàu chở xăng dầu không thể di chuyển.
Trước việc huyện đảo Phú Quý hết sạch xăng gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân, ngày 23/9, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thông tin chính thức.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân hết xăng ở huyện đảo Phú Quý do công ty đầu mối không cung cấp đủ đơn hàng đã đặt, gây nên tình trạng thiếu hụt tạm thời.
Hiện tại, trên đảo Phú Quý có 3 cửa xăng dầu đang hoạt động kinh doanh, gồm: Cửa hàng xăng dầu Tân Tiến, Cửa hàng xăng dầu Hải Hiền 1 và Hải Hiền 2. Tuy nhiên, do xăng hết nên các cửa hàng trên chỉ bán dầu.
Cửa hàng xăng dầu Tân Tiến có đầu mối cung cấp ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cửa hàng xăng dầu Hải Hiền 1 và 2 thương nhân đầu mối là Công ty TNHH Dương Đông Bình Thuận.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hải - Chánh văn phòng cấp ủy - Chính quyền huyện Phú Quý cho biết, tất cả cửa hàng xăng dầu ở huyện đảo Phú Quý đã đồng loạt treo bảng “hết xăng” từ ngày 22/9.
Theo ông Hải, nguyên nhân khiến xăng tại huyện đảo Phú Quý bị đứt nguồn cung là thời tiết xấu, tàu không thể di chuyển để nhập xăng dầu. Hiện tại, đã có 2 tàu đi nhận dầu và đang neo đậu trong cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu để chờ nhập hàng. Dự kiến, một tàu sẽ cập bến Phú Quý vào ngày 24/9, tàu còn lại sẽ về đến Phú Quý vào ngày 25/9.
Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam đang rơi vào tình trạng thua lỗ do giá bán lẻ tại cửa hàng thấp hơn giá mua và chi phí vận chuyển. Để duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân, doanh nghiệp vẫn phải trang trải chi phí lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, chi phí điện, nước, khấu hao sửa chữa… Ngoài lỗ chi phí kinh doanh, doanh nghiệp còn lỗ thêm chi phí vận hành, tiền lương.
Theo quy định hiện hành, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu... Việc này khiến cho doanh nghiệp không có quyền được lựa chọn giá tốt từ nhiều nhà cung cấp để mua. Chưa kể, khi thương nhân cung cấp hết hàng, doanh nghiệp cũng không thể mua từ nhà cung cấp khác, dẫn đến tình trạng bị thiếu hàng cục bộ.