Đào tạo bác sĩ trẻ tay nghề cao cho y tế cơ sở vùng khó khăn miền núi phía Bắc
Việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa I với 6 chuyên ngành ngoại, sản, nội, nhi, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm sẽ góp phần quan trọng và có ý nghĩa bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn của khu vực miền núi phía Bắc...
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ khai giảng lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa I cho 22 bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia Dự án "Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" cho 7 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái và Bắc Giang diễn ra tại Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, hôm nay 30/10.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khai giảng lần này là lớp thứ 7 được đào tạo trong giai đoạn 2 bằng nguồn kinh phí do Quỹ Thiện Tâm tài trợ, nhưng là lớp đầu tiên Bộ Y tế giao cho Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo theo phương thức đặc biệt: thời gian đào tạo đủ 24 tháng liên tục, mỗi học viên có ít nhất 1 giảng viên hướng dẫn và hỗ trợ trong suốt thời gian đào tạo, được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo... Cùng đó Chương trình đào tạo đã được trường Đại học Y Hà Nội chuyển giao với 6 chuyên ngành là Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh và Xét nghiệm.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Chất lượng nhân lực đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều cơ sở tham gia vào quá trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe nói chung, ngành dược nói riêng. Đào tạo nhân lực y tế là giải pháp căn cơ để cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân.
Dự án "thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" (Dự án 585) là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, ngành Y tế đang bước vào giai đoạn mới, phục hồi sau đại dịch. Với việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường Y tế cơ sở, Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Y tế huyện sẽ được giao về UBND huyện quản lý, Bộ Y tế điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Để y tế cơ sở là nền tảng, nhân lực đóng vai trò then chốt, do vậy chất lượng đào tạo là mục tiêu đặt ra cho thầy và trò các khóa đào tạo của dự án 585, vì vậy Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên và các bệnh viện đào tạo thực hành cho các học viên lớp 585 dành sự quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên nhiều nhất có thể cho các em học viên, đặc biệt là học viên đồng bào dân tộc.
Dịp này, Thứ trưởng đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đào tạo cho Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
Đối với 7 tỉnh và 16 huyện hưởng thụ số nhân lực được đào tạo của dự án qua Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, sẽ có nguồn nhân lực được đào tạo về các chuyên khoa theo đúng nhu cầu và đặt hàng của đơn vị, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế ngoài tạo điều kiện cho học viên bảo đảm thời gian tham gia khóa đào tạo, cũng cần quan tâm về chế độ chính sách theo quy định như các chế độ đối với cán bộ Y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng gửi lời nhắn nhủ đến các học viên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, UBND nơi công tác tuyển chọn để đào tạo với mô hình đặc biệt. "Đây là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi học viên, tôi đề nghị các bạn cần tự giác, nỗ lực hết sức trong thời gian học để có được nhiều nhất kiến thức, kỹ năng, y đức từ các Thầy Cô, đồng nghiệp"- Thứ trưởng nói.
Tại lễ khai giảng, học viên Nông Văn Thăng, hiện đang công tác tại Trung Tâm Y tế huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, thông qua Sở Y tế Bắc Kạn, Thăng đã đăng ký tham gia dự án, chuyên ngành Nhi khoa và đã được Ban Quản lý Dự án 585, Quỹ Thiện Tâm, Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên phỏng vấn, xem xét. và được lựa chọn là một trong 22 thành viên của lớp 7 này.
Trung tâm Y tế huyện nơi Thăng công tác là mô hình 2 chức năng gồm hệ dự phòng và điều trị. Trung tâm có 23 bác sĩ, trong đó có 12 BSCKI (trong 12 BS CKI có 01 BS CKI Chẩn đoán hình ảnh và 01 BS CKI HSCC đào tạo theo dự án 585). Huyện nằm trên địa bàn là vùng đồi núi cao, đường giao thông đi lại có nhiều khó khăn, khoảng cách đi từ xã xa nhất tới trung tâm huyện trên 30km, từ huyện xuống thành phố khoảng 65 km.
"Nhu cầu được điều trị của người dân cao, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhân lực được đào tạo sau đại học chưa có đủ các chuyên khoa, đặc biệt thiếu về chuyên khoa lẻ. Do vậy với nguyện vọng cá nhân cũng như yêu cầu của đơn vị, em đã đăng ký chuyên ngành nhi khoa để sau khi tốt nghiệp phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn huyện"- Thăng kể và cho biết khi tham gia dự án này Thăng luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng, bản thân phải thật sự cố gắng, nghiêm túc học tập để đạt được kết quả tốt nhất của dự án, của ngành và đơn vị đề ra.