Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Chiều 16/7, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP HCM Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì Hội nghị cùng tập thể Ban Giám hiệu, Trưởng các phòng, khoa, giảng viên, học viên nhà trường.
Tại báo cáo, trong kỳ Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TTr ngày 31/3/2014 của VKSND tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ và kỷ luật phát ngôn trong Ngành kiểm sát nhân dân đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động Nhà trường.
Kết quả, Trường Nghiệp vụ đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được 8 khóa (lớp) với tổng số 625 học viên, cụ thể: 3 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, 367 học viên trong đó: đã hoàn thành chương trình học 1 khóa, 2 khóa đang tiếp tục học tập theo kế hoạch; 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, 77 học viên, đã hoàn thành chương trình. Ngoài ra, Trường Nghiệp vụ đã phối hợp với VKSND các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng mở 4 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu tại chỗ với 401 học viên tham gia học tập.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường đã nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Trường Nghiệp vụ năm 2019 và xét duyệt đề tài, chuyên đề khoa học đăng ký thực hiện năm 2020. Hoàn thiện đề tài khoa học cấp Bộ “Nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng Thực hành quyền công tố và KSĐT, KSXX sơ thẩm vụ án chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao” và tài liệu Chương trình “Bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính” của Trường Nghiệp vụ được VKSND tối cao thông qua.
Trường cũng tham dự hội đồng thẩm định Chương trình “Bồi dưỡng kiến thức về nguyên tắc suy đoán vô tội và việc đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự” do VKSND tối cao tổ chức; Chỉnh sửa, biên tập hoàn thiện tập bài giảng bồi dưỡng “Kỹ năng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trong các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm giết người” của Trường Nghiệp vụ.
Nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Trường Nghiệp vụ năm 2019 và xét duyệt đề tài, chuyên đề khoa học đăng ký thực hiện năm 2020; Hoàn thiện, ban hành Quy định về nghiên cứu khoa học và Quy định tổ chức, hoạt động của Hội đồng khoa học Trường Nghiệp vụ; Xây dựng kế hoạch và viết giáo trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; Biên tập, hoàn chỉnh tài liệu các Chương trình bồi dưỡng “Kiến thức, kỹ năng về công tác Văn phòng trong ngành Kiểm sát”; “Kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự”; Xây dựng Chương trình khung bồi dưỡng “Kỹ năng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án về tín dụng đen”.
Mặc dù kế hoạch giảng dạy và học tập phải thay đổi thường xuyên và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 nhưng nhìn chung Trường Nghiệp vụ đã thực hiện tốt kế hoạch mở lớp do VKSND tối cao giao. Đối với các lớp Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao; tăng thời gian giảng và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, báo cáo thực tế, thảo luận và giải đáp các tình huống khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát; chương trình học được giữ nguyên với 6 học phần; nội dung giảng dạy về lý thuyết, báo cáo thực tế, thảo luận, thực hành, tham dự phiên tòa, thực hành diễn án…được thực hiện đầy đủ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác nhà trường đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, những kết quả này đã đóng góp vào thành tích chung của ngành KSND trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu, khen thưởng là kết quả của công tác thi đua, nhà trường cần tiếp tục tạo động lực, không khí làm việc sôi nổi, từ đó chất lượng sáng kiến của cán bộ, giảng viên đạt được kết quả tốt hơn và phong trào thi đua sẽ được toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia sôi nổi hơn.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao thông tin, hiện ngành ta đang thảo luận và trình Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị mới về tăng cường công tác đào tạo phù hợp tình hình mới. Hướng tới, nhà trường cần huy động trí tuệ của các chuyên gia giỏi, am tường pháp luật trong và ngoài ngành để xây dựng bộ tài liệu chính thống trong đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, giúp cho học viên nâng cao về trình độ, nghiệp vụ thực tiễn.
Song đó, nhà trường cần tăng cường hơn nữa trong quan hệ phối hợp với VKS các địa phương, cần cái gì, đào tạo cái gì để xây dựng tài liệu giúp giải quyết những vướng mắc, khó khăn đó. Cần tạo điều kiện cho các giảng viên tham gia thường xuyên những hoạt động của VKS địa phương. “Chúng ta xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho các cán bộ là một nghề, nhà trường phải chủ động tập trung đầu tư hết mình. Cần cập nhật thường xuyên tình tiết các vụ án mới, được dư luận quan tâm, tự thân thay đổi các giáo trình phù hợp theo tình hình mới”, đồng chí Trần Công Phàn phát biểu.
Đối với công tác tổ chức cán bộ, theo đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưuởng VKSND tối cao yêu cầu nhà trường cần phải đào tạo đội ngũ cán bộ sẵn sàng thay thế, kế thừa. Khi định hình phải bồi dưỡng, đánh giá đúng khách quan cán bộ của mình. Muốn được vậy, Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo phải xây dựng tính đoàn kết, sự tôn trọng và thực hiện nghiêm quy chế đơn vị, đánh giá khách quan, công bằng sự cống hiến lao động hăng say của cán bộ, giảng viên. Từ đó, tính đoàn kết ngày càng thắt chặt hơn, giúp cho kết quả công tác ngày càng tốt hơn.