Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam: 30 năm trăn trở bài toán 'đứt gãy'

Đào tạo tài năng bóng đá trẻ Việt Nam ngày càng khó cho ra lò những tên tuổi lớn.

Đội tuyển U19 PVF tham dự vòng loại giải vô địch U19 quốc gia 2021.

Đội tuyển U19 PVF tham dự vòng loại giải vô địch U19 quốc gia 2021.

Sau lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức; Văn Quyến, Công Vinh; Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu… bài toán đặt ra lúc này là bao giờ bóng đá trẻ Việt Nam lại có thế hệ vàng?

30 năm chưa ổn định

Năm 1991, bóng đá Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường quốc tế. Từ đó tới nay, chúng ta trải qua 30 năm hội nhập và phát triển, “được” nhiều, “mất” nhiều và cũng rút ra được thật nhiều bài học quý giá xen lẫn đau xót.

Nhưng xuyên suốt cả chặng đường dài, đào tạo trẻ để hướng đến xây dựng nền tảng vững chắc cho bóng đá Việt Nam vẫn cứ là bài toán chưa có lời giải. Sự “đứt gãy” giữa các thế hệ được thể hiện rất rõ ràng và có những giai đoạn nhân tài bóng đá như “lá mùa thu”.

Trong cuộc hội thảo phát triển bóng đá trẻ được tổ chức vào cuối năm 2020, Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐVN (VFF) Trần Quốc Tuấn tái khẳng định bóng đá trẻ là nền tảng quan trọng trong sự phát triển của một nền bóng đá và những hạn chế còn tồn tại trong đào tạo trẻ Việt Nam.

“Những năm vừa qua, các đội trẻ của Việt Nam gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu, và trong tương lai cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và các CLB, với sự định hướng và đầu tư của VFF để tạo môi trường phát triển cho bóng đá trẻ.

VFF cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thi đấu dành cho bóng đá trẻ. Việc tăng số đội tham dự World Cup từ 32 lên 48 đội là cơ hội lớn đối với các nước Đông Nam Á cũng như châu Á nói chung. Và chúng ta cần phải có lộ trình để chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải từng phát biểu: “Bộ mặt của một nền bóng đá dựa trên thế chân kiềng, gồm đội tuyển quốc gia, hệ thống thi đấu giải quốc nội và đào tạo trẻ”. Ông cũng phải thừa nhận bóng đá trẻ Việt Nam chưa mang tính bền vững, trồi sụt bất thường.

5 năm gần đây, U19 Việt Nam năm 2016 lọt vào bán kết U19 châu Á, đoạt vé dự World Cup U20 năm 2017. U23 Việt Nam đoạt Á quân VCK U23 châu Á 2018. Olympic Việt Nam lọt vào bán kết ASIAD 18.

Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 lứa U19 Việt Nam phiên bản 2014 và 2016. Nhưng bóng đá trẻ Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại mà bằng chứng rõ nét là thành tích thụt lùi của lứa đàn em Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường… ở đấu trường châu lục và khu vực.

U19 Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng giải Đông Nam Á 2018, sau đó không vượt qua được vòng bảng VCK U19 châu Á 2018 với 3 trận toàn thua. U16 Việt Nam bị loại từ vòng bảng VCK U16 châu Á với 2 thua, 1 hòa. Thậm chí, á quân U16 Việt Nam còn bị loại ngay từ vòng bảng giải Đông Nam Á 2018.

Sau giai đoạn thăng hoa ở Thường Châu (Trung Quốc) và HCV SEA Games 2019, giờ đây ông Park đang chìm vào cơn đau đầu về bài toán nhân sự cho mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 2021 ngay chính trên sân nhà.

HLV Park Hang Seo đau đầu với bài toán nhân sự cho SEA Games 31.

HLV Park Hang Seo đau đầu với bài toán nhân sự cho SEA Games 31.

Trăm hoa đua nở

Sau 3 thập kỷ hội nhập và phát triển, công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đến nay vẫn thiếu một hệ thống xuyên suốt, không có kế hoạch đầu tư bài bản, dài hạn mà mới chỉ mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào may rủi, sự thành bại của một số lò đào tạo.

Việt Nam có một số trung tâm đào tạo trẻ tốt nhưng mỗi nơi làm một cách. Sau lứa tài năng như Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường… giờ chưa thấy một lứa nào giỏi được như thế nữa. Vậy thì làm sao duy trì được thành tích ở các sân chơi bóng đá trẻ tầm châu lục, trong khi hiện nay chúng ta đặt vấn đề đua tranh suất tham dự… World Cup?

Rất nhiều trung tâm bóng đá giàu truyền thống khác của miền Tây như Long An, An Giang, Đồng Tháp... đều đang sống lay lắt. TPHCM đang ồn ào với Học viện Juventus và hợp tác với CLB Lyon nhưng hiệu quả thế nào sẽ cần phải chờ.

Nghệ An giàu truyền thống nhưng không mấy dư dả về kinh tế. Theo Giám đốc Trung tâm bóng đá An Giang Nhan Thiện Nhân, nếu muốn vực dậy bóng đá trẻ phải có một trung tâm chính quy với trang thiết bị, giáo án, chế độ dinh dưỡng, văn hóa... khang trang và một giáo án thống nhất, hoàn chỉnh chung cho hệ thống các tuyến trẻ.

Những năm gần đây, nhiều CLB, đội bóng của Việt Nam chọn cách hợp tác với các đội bóng nước ngoài để nâng tầm công tác đào tạo trẻ. Trước thềm mùa giải 2021, CLB Sài Gòn công bố dự án kết hợp với CLB Tokyo (Nhật Bản) mở lò đào tạo trẻ tại TPHCM. Tuy nhiên, xu hướng này chưa thực sự giúp ích cho bóng đá Việt Nam.

Theo cựu danh thủ Dương Hồng Sơn, bóng đá Việt Nam làm đào tạo trẻ thích ăn xổi. Cơ sở vật chất của đa phần các đội bóng Việt Nam còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu cầu về việc đào tạo chất lượng cao. Nhiều CLB Việt Nam nền tảng tài chính không mạnh. Mà bóng đá trẻ không phải vài ba năm là hái trái, nó đòi hỏi quá trình tích lũy dài lâu.

Theo Tổng Giám đốc CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh, đội bóng xứ Nghệ chưa bao giờ dư giả tài chính để làm bóng trẻ, cũng không nghĩ tới việc hợp tác nước ngoài. Nhưng SLNA tự hào vì vẫn cho ra lò nhiều cầu thủ chất lượng, đóng góp cho đội tuyển quốc gia, có phí chuyển nhượng cả chục tỷ đồng.

Có được thành quả này là nhờ Nghệ An làm việc hết sức tận tâm, từ tìm kiếm nhân tài tới đào tạo, uốn nắn các em. Bên cạnh đó, các kế hoạch, định hướng đào tạo cần phù hợp với thực tế, nguồn lực của đội bóng và tốt nhất trong khả năng.

Philippe Troussier, HLV trưởng đội tuyển U19 Việt Nam lại đưa ra cách tiếp cận khác về sự yếu kém trong đào tạo trẻ. Theo chiến lược gia người Pháp, việc bóng đá trẻ Việt Nam đặt nặng thành tích thì không thể toàn tâm toàn ý đào tạo, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy chiến thuật của các cầu thủ trẻ trên nhiều vị trí.

Vì bệnh thành tích, lối chơi hoàn toàn phụ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài suốt nhiều năm qua của BĐVN mà HLV các đội trẻ cũng có sự rập khuôn trong huấn luyện. Bóng đá Việt Nam cần thay đổi chuyển từ tầm nhìn ngắn hạn khi quá chú trọng đến thành tích qua tầm nhìn xa với những mục tiêu cụ thể cùng giải pháp để đạt được từng mục tiêu đề ra.

Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi phát biểu tại Hội thảo phát triển bóng đá trẻ Việt Nam 2020.

Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi phát biểu tại Hội thảo phát triển bóng đá trẻ Việt Nam 2020.

Nói chưa đi đôi với làm

Trong vai trò quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về sự phát triển, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh VFF sẽ kiên trì tập trung đầu tư các lứa cầu thủ trẻ để bóng đá Việt Nam không lâm vào tình trạng hổng lớp kế cận.

Chúng tôi sẽ đốc thúc, hỗ trợ các CLB trong công tác đào tạo trẻ, phấn đấu mục tiêu đào tạo lứa 11 - 18 tuổi vào khoảng 4.500 - 5.000 cầu thủ/năm. Ngoài ra, VFF sẽ sớm báo cáo Bộ VH,TT&DL về kế hoạch nâng cấp Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam thành Học viện Bóng đá. Việc nâng cấp này sẽ giúp bóng đá Việt Nam có được lối chơi ổn định, mang tính thống nhất từ cấp CLB đến đội tuyển.

Cũng theo ông Tuấn, VFF trong thời gian tới sẽ chú trọng tới việc tạo ra một lớp HLV làm bóng đá trẻ, Giám đốc kỹ thuật ở các CLB, các địa phương nhằm bảo đảm sự thống nhất và hướng tới sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong đào tạo trẻ của cả nền bóng đá. “Đó là động cơ để VFF bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi và có những điều khoản chi tiết trong hợp đồng với ông ấy về phát triển bóng đá trẻ.

Về mặt quy chế đào tạo trẻ đối với các CLB, trong thời gian tới đây, nhằm tránh tình trạng các đội bóng không đáp ứng quy định hoặc làm theo kiểu đối phó, Tổng cục TDTT và VFF sẽ đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn trong việc ổn định hệ thống bóng đá trẻ và đề nghị các ông chủ CLB tuân thủ nghiêm ngặt quy định”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh VFF có giải nào thì SLNA đá giải đó, với tổng quân số trẻ ăn tập thường xuyên là 200 em. Nhưng như thế còn chưa đủ, vì bóng đá trẻ, đào tạo VĐV phải làm từ nhỏ, không phải 11 mà là 9 tuổi. Để làm được điều này phải trông chờ vào bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng.

Khi đó, cùng với sự kết hợp của VFF thì bóng đá Việt Nam mới có thể mơ có lực lượng sinh viên, học sinh đá bóng giỏi như Nhật Bản, Hàn Quốc. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho biết ai cũng hiểu tầm quan trọng của bóng đá học đường, nhưng trong hoàn cảnh rất nhiều trường học còn thiếu cơ sở vật chất, sân chơi thể thao cho học sinh vẫn còn nan giải chứ đừng nói chuyện mở sân bóng để các em tập.

Cuộc Hội thảo do VFF tổ chức vào cuối năm 2020 với sự tham gia của đại diện nhiều CLB, trung tâm đào tạo tư nhân nổi tiếng đã đặt ra nhiều vấn đề về thực trạng đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Nhưng liệu sau đó VFF có đưa ra kế hoạch mang tầm chiến lược về đào tạo trẻ?

Những bài toán khó về kinh phí sẽ được giải quyết như thế nào? Rất nhiều địa phương gần như hoàn toàn “mất trắng” khâu đào tạo trẻ hoặc bóng đá trẻ không được đầu tư đến nơi đến chốn có tìm ra được phương án giải quyết. Các đội tuyển quốc gia sẽ tiếp tục trông chờ vào một số trung tâm đào tạo như HAGL, Viettel, PVF, Hà Nội?

Như vậy, sự yếu kém trong đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, từ thực trạng đến nguyên nhân đã được nhận diện khá rõ ràng. Nhưng thực tế chưa có sự chuyển biến đủ mạnh để giải quyết triệt để căn bệnh trầm kha kéo dài hàng thập kỷ. Nguy cơ sự “đứt gãy” giữa các thế hệ vẫn còn rất lớn!?

“Việt Nam chưa có một hệ thống đào tạo trẻ chuẩn mực, nền tảng còn yếu, mới chỉ có vài CLB chuyên nghiệp làm tốt. Bóng đá Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu ở khâu đào tạo trẻ. Muốn phát triển bóng đá Việt Nam, sẽ cần một sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt. Nếu hệ thống đào tạo bóng đá thanh thiếu niên không được làm bài bản thì bóng đá Việt Nam không thể phát triển được. Bóng đá Việt Nam sẽ không thể dự World Cup”. HLV Park Hang Seo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/dao-tao-bong-da-tre-viet-nam-30-nam-tran-tro-bai-toan-dut-gay-AmHGgwQMg.html