Đào tạo cán bộ, công chức cấp xã nhìn từ thực tiễn tỉnh Lào Cai

Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những năm qua, tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã bảo đảm về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình đó đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho tỉnh Lào Cai nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung.

 Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại Lào Cai. Ảnh: Tư liệu.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại Lào Cai. Ảnh: Tư liệu.

Từ kinh nghiệm thực tiễn

Từ một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, Lào Cai vươn lên trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Có được kết quả đó là nhờ sự giúp đỡ của Trung ương, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi thách thức, phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã Lào Cai đã phát huy vai trò là lực lượng quan trọng trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn, đến với người dân.

Sau 10 năm tái lập tỉnh, tính đến đầu năm 2001, 83,7% số cán bộ ủy ban nhân dân phường, thị trấn; 84,6% số cán bộ hưởng phụ cấp cơ sở và 74,1% cán bộ trong diện bốn chức danh chuyên môn xã chỉ có trình độ tiểu học và trung học cơ sở. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lào Cai xác định phải đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, coi đó là cơ sở quan trọng bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Qua 20 năm thực hiện công tác đào tạo, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh đã từng bước được chuẩn hóa, phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Đến cuối năm 2020, có 2.593 người trong số 3.091 cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn toàn diện, chiếm tỷ lệ 83,89% (tăng 41,99% so với năm 2014). Số chưa đạt chuẩn còn 498 người, chiếm tỷ lệ 16,11%, giảm 41,99% so với năm 2014 (1). Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng đã giúp cho tỉnh Lào Cai triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Một số kinh nghiệm đã được rút ra sau 20 năm nỗ lực nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã, đó là:

Coi trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã

Dù đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng về cơ bản, Lào Cai vẫn là tỉnh miền núi, đời sống người dân đa phần còn khó khăn, mặt bằng trình độ dân trí chưa cao, tư tưởng dòng tộc, phong tục tập quán còn nhiều ràng buộc, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo nguồn đào tạo cũng như chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Do vậy, công tác quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, từ khâu tạo nguồn, bao gồm cả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; đưa vào quy hoạch và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số, bảo đảm cân đối giữa các thành phần dân tộc, lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Để có được nguồn đào tạo, từng địa phương, ngành, đơn vị đã thông qua các phong trào, các hoạt động thực tiễn để phát hiện, lựa chọn cán bộ nguồn, tập trung vào những cán bộ có triển vọng, có thành tích, sáng kiến trong lao động sản xuất, công tác; đối tượng bộ đội xuất ngũ có thành tích xuất sắc trở về địa phương; học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, trường dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, cao đẳng, đại học công tác, làm việc tại cơ sở; trong đó, tập trung ưu tiên các đối tượng là người dân tộc thiểu số, là nữ.

Nắm rõ đặc điểm và yêu cầu cụ thể của cơ sở để tuyển chọn nguồn đào tạo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Lào Cai, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, phát động các phong trào, người cán bộ phải hiểu rõ đặc điểm, yêu cầu cụ thể của cơ sở. Do đó, cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các tiêu chuẩn chung về phẩm chất và năng lực, cần chú ý tiêu chuẩn về sự tín nhiệm của đồng bào các dân tộc, khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc ở địa bàn phụ trách. Đồng thời, cần có kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính để tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiểm tra, giám sát được các chương trình, đề án thực hiện tại địa phương; giải quyết được công việc ở cơ sở, như khả năng đối thoại với dân, xử lý các tình huống tranh chấp dân sự, điểm nóng ở cơ sở; công tác khuyến nông, khuyến lâm, vệ sinh thôn bản, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn, vận dụng được lý luận vào thực tiễn, có năng lực tổ chức, quản lý, điều hành, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đòi hỏi phải có đội ngũ giảng viên vừa có trình độ lý luận, vừa nắm chắc thực tiễn. Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã chủ động đề xuất cơ chế phù hợp để tuyển chọn, bổ sung đội ngũ giảng viên đủ số lượng biên chế, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng đào tạo và có các biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng giảng viên; cử giảng viên đi học sau đại học. Hiện tại, trường có 1 tiến sĩ, 31 thạc sĩ. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, gắn kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kết hợp khảo sát thực tế, cập nhật kiến thức mới cho bài giảng; mời các đồng chí lãnh đạo tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng thêm kiến thức thực tế và kỹ năng cho học viên.

Ngoài công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên cần nắm bắt tâm lý của người học, động viên, khuyến khích họ khắc phục tâm lý ngại học tập, học theo kiểu hình thức đối phó, học để lấy bằng cấp, được đề bạt, chứ không phải học để làm việc, hay tâm lý cho rằng việc học không quan trọng, chỉ cần thực tiễn, kinh nghiệm là đủ.

Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Một trong những mục tiêu cơ bản của công tác đào tạo cán bộ, công chức cấp xã là phải nâng cao năng lực tư duy, kỹ năng công tác cho người học trong điều kiện trình độ văn hóa của học viên chưa cao. Vì vậy, cần có nội dung và phương pháp giảng dạy đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu, gắn lý luận với thực tiễn nhằm truyền thụ những tri thức cơ bản, tăng cường luyện tập thực hành, phương pháp xử lý tình huống. Để đáp ứng yêu cầu này, khi giảng dạy các vấn đề lý luận, ngoài yêu cầu bảo đảm đúng, đủ thì cần phải ngắn gọn, tránh trình bày dài dòng, hay sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa khó hiểu dễ gây tâm lý không hứng thú cho người nghe. Đồng thời, phải gắn với tổng kết thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn kinh nghiệm của từng địa phương, địa bàn cụ thể, qua đó, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, rèn luyện năng lực tư duy biện chứng cho người học. Tổng kết kinh nghiệm không phải là kể thành tích hay khuyết điểm, mà phải phân tích hiện tượng, tìm ra nguyên nhân, bản chất vấn đề, tránh tình trạng tổng kết chung chung, sa vào thống kê, dẫn đến bài giảng thiếu sức thuyết phục.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngoài yêu cầu bài giảng ngắn gọn, có ý nghĩa thiết thực, dễ hiểu, gắn với thực tiễn phong phú, cần sử dụng một cách hiệu quả thời gian thảo luận, trao đổi những vấn đề đã được học, từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học viên. Cần tiến hành giảng dạy theo tình huống, thuyết trình để học viên nhanh chóng nắm bắt vấn đề, cũng như cách thức áp dụng vào thực tế công tác. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng cần linh hoạt và đa dạng nhằm phát huy tính tích cực và tư duy sáng tạo của người học. Trong chương trình học, nhà trường tăng cường cho học viên đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở những cơ sở điển hình tiên tiến, đi tham quan các địa phương trong tỉnh, tỉnh bạn, nước bạn nhằm tăng khả năng gắn lý luận với thực tiễn, để thực hiện công tác có hiệu quả.

Không ngừng củng cố cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho giảng dạy và học tập

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai đã ưu tiên kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ chế độ phụ cấp cho học viên đến xây dựng cơ sở trường, lớp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

Trong đầu tư kinh phí, bên cạnh đầu tư thỏa đáng cho việc biên soạn chương trình, nội dung giảng dạy cho từng đối tượng, bảo đảm sát với thực tế địa phương, tỉnh còn đầu tư cho những giảng viên am hiểu lý luận và thực tiễn để biên soạn bài giảng tình huống, sát với thực tiễn. Nhờ đó, giảng viên tích lũy được kinh nghiệm thực tế để ứng dụng trọng giảng dạy.

Giải pháp trong thời gian tới

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Lào Cai ngày càng đáp ứng được về số lượng, chất lượng, đã phát huy vai trò cầu nối giữa Dân với Đảng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng thành sức mạnh nơi địa bàn mình phụ trách, đóng góp xứng đáng vào bước phát triển của tỉnh. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng được “đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được chuẩn hóa; người hoạt động không chuyên trách được rà soát giảm số người, nâng cao chất lượng” như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ nhằm tạo nguồn cho công tác đào tạo đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, cơ cấu, chú trọng các đối tượng là học sinh trung học nội trú, các trường trung cấp nghề, bộ đội xuất ngũ, người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là đối với các xã khu vực II và khu vực III, thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn còn thấp, kinh tế - xã hội còn khó khăn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị cử đi học và cơ quan đào tạo, kịp thời nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng của học viên để chương trình học tập có hiệu quả. Đồng thời, đào tạo phải gắn liền với quy hoạch, kế hoạch sử dụng cán bộ.

Hai là, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, vững vàng về lý luận, nắm chắc thực tiễn, thành thạo kỹ năng, có kinh nghiệm giảng dạy. Phát huy vai trò của giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia, những nhà quản lý có khả năng cung cấp kiến thức chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm và cách thức vận dụng vào thực tiễn; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia mở các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp giảng dạy kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ giảng viên của trường, qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của đội ngũ giảng viên.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, vừa bảo đảm trang bị đủ kiến thức lý luận theo chương trình khung, vừa bổ sung được kiến thức, kỹ năng phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, như khả năng vận động quần chúng, tiếp nhận chuyển giao khoa học - kỹ thuật… để cán bộ, công chức cấp xã vừa có vốn tri thức phong phú, vừa có kỹ năng thực hành tổng hợp, có khả năng độc lập giải quyết được các vấn đề ở cơ sở; hướng dẫn nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có hiệu quả.

Bốn là, đổi mới hoạt động đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với thực hiện “học thật, thi thật”, cần đánh giá những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo, bồi dưỡng đối với yêu cầu của vị trí công tác. Do đó, cần có công tác đánh giá sau đào tạo bằng hiệu quả hoạt động của cán bộ được đào tạo, để xây dựng chương trình và nội dung phù hợp. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan đào tạo và đơn vị sử dụng để đánh giá đúng hiệu quả đào tạo.

Năm là, bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác dạy và học, chú trọng đầu tư trường lớp, phương tiện giảng dạy, học tập, lưu trú từ trường chính trị tỉnh đến các cơ sở bồi dưỡng. Có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng công tác, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

----------------------------

(1) Kim Thu: Tỉnh Lào Cai chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn

https://laocai.gov.vn/Default.aspx?sid=1272&pageid=28952&catid=43178&id=548790&catname=&title=tinh-lao-cai-chu-trong-xay-dung-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-cap-xa-dat-chuan, ngày 13-1-2021

TS. Nguyễn Thị Vân HằngPhó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lào Cai

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/can-bo/dao-tao-can-bo-cong-chuc-cap-xa-nhin-tu-thuc-tien-tinh-lao-cai-19814