Đào tạo giảng viên nguồn đảm nhiệm giảng dạy thiết kế vi mạch
Ngoài đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch - bán dẫn, các trường đại học đang gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực cho công tác đào tạo.
Khi giảng viên đi học
23 giảng viên của Trường ĐH Bách khoa và Trường Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng chuẩn bị kết thúc Khóa học “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” kéo dài gần 4 tháng.
Nội dung của khóa học được xây dựng và giảng dạy bởi Nhóm chuyên gia Tresemi gốc Việt hiện đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu trên thế giới tại Mĩ như Skyworks Solutions, Mediatek, Silicon Labs, NXP,… với trên 25 kinh nghiệm.
Nội dung khóa đào tạo “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” nhằm mục đích nâng cao kỹ năng thiết kế vi mạch bán dẫn cho đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai, nắm được quy trình và nguyên tắc của thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn VLSI; trau dồi kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn và nắm vững các kiến thức thực tế chuyên sâu trong việc sử dụng các công cụ EDA chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch.
Ngoài khóa học này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn cho chương trình đào tạo nhân lực ngành vi mạch. Các khóa học này được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, với nhiều kinh nghiệm, uy tín và đã làm việc, cộng tác với nhiều phòng thí nghiệm bán dẫn hàng đầu trên thế giới.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Synopsys khu vực Nam Á, đơn vị cùng tham gia đào tạo khóa giảng viên nguồn cho biết: “Chúng tôi hy vọng các giảng viên theo học các khóa học này không chỉ tham gia công tác đào tạo mà còn đóng vai trò dẫn dắt cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn”.
Ông Lâm kỳ vọng thành phố Đà Nẵng sẽ có những khóa học tiếp theo, chọn được những giảng viên có khả năng, đam mê lĩnh vực này để tham gia lớp đào tạo cao hơn ở Hà Nội. Xa hơn nữa, những giảng viên có thể được gửi đi đào tạo tại Đài Loan để trong thời gian ít nhất là 3 tháng sau có thể làm chủ được công nghệ, đưa vào các bài giảng cho sinh viên.
Thạc sĩ Phan Ngọc Kỳ, giảng viên Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi thực hành, khai thác trên phần mềm và các công cụ chuyên dụng, bản quyền của Synopsys, Cadence. Chương trình học bao gồm các nội dung cơ bản về thiết kế vi mạch bán dẫn (VLSI Design; Basic Digital Design & Hardware Description Language (SystemVerilog/Verilog/VHDL; Physical Design…) từ FrontEnd và BackEnd cho đến thiết kế vi mạch số và vi mạch tương tự. Ngoài thời gian học lý thuyết, học viên còn tham gia thực tập tại doanh nghiệp”.
Theo thầy Phan Ngọc Kỳ, những kiến thức, nội dung được trang bị từ khóa học đào tạo giảng viên nguồn là nền tảng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, các kinh nghiệm thực tiễn được truyền đạt bởi những chuyên gia hàng đầu, được thực hành trên những phần mềm chuyên nghiệp chắc chắn sẽ góp phần đắc lực cho việc triển khai giảng dạy chuyên ngành này ở các trường đại học trong thời gian đến.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo vi mạch
Tháng 4 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có chuyến thăm, làm việc với ĐH Khoa học và Công nghệ Long Hoa (LHU) cùng các doanh nghiệp tại Đài Loan để ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn.
Theo nội dung các văn bản thỏa thuận được ký kết, hai trường thành viên của ĐH Đà Nẵng sẽ hợp tác với LHU là đối tác có thế mạnh về công nghệ vi mạch bán dẫn. Qua đó thúc đẩy trao đổi giảng viên, sinh viên, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực mũi nhọn này.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “LHU sẽ hỗ trợ công tác đào tạo giảng viên ngành vi mạch bán dẫn, ưu tiên cho các ứng viên chương trình Thạc sỹ, Tiến sỹ; tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên nhà trường đến LHU tham quan, thực tập ngắn hạn. Các hoạt động này sẽ triển khai vào tháng 9/2024”.
Các giảng viên đã tham quan các phòng thí nghiệm về đóng gói và thử nghiệm mô-đun bán dẫn, bảng mạch kỹ thuật số 3D, điều chỉnh và thử nghiệm mô-đun truyền thông di động 5G cũng như các Trung tâm Công nghệ và đào tạo về thiết kế truyền dẫn điện tử tốc độ cao, Trung tâm Kỹ thuật số và truyền thông đa phương tiện. Tìm hiểu thêm kinh nghiệm phát triển, nghiên cứu, ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch bán dẫn, thiết bị điều khiển thông minh, tiết kiệm năng lượng…
Từ trải nghiệm của khóa học đào tạo giảng viên nguồn, Th.S Phan Ngọc Kỳ cho rằng, để đào tạo sinh viên ngành vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi ra trường, thì chương trình đào tạo cũng phải linh động để sinh viên có nhiều học phần, nhiều thời gian liên tục được thực hiện ở doanh nghiệp. Những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp sinh viên áp dụng nhanh kiến thức được học vào thực tế công việc và phát triển kỹ năng thực hành hiệu quả.