Đào tạo lái xe, cần bắt buộc khóa học đạo đức, nhân quả công bằng
Khóa học về đạo đức, nhân quả nên là bắt buộc trong quy trình cấp bằng lái, nhằm ngăn chặn những tài xế độc ác cố tình cán nạn nhân vài lần sau khi gây tai nạn.
Mấy ngày trước, sự xuất hiện video mới ghi lại toàn cảnh vụ nạn nhân bị xe tải cán 2 lần ở Đồng Nai vào tháng 8/2024 khiến dư luận bàng hoàng, vì rõ ràng nhiều người ở trạm xăng đã cố sức ra hiệu dừng lại, tài xế vẫn tiếp tục cán qua người nạn nhân lần thứ hai. Những sự việc tương tự không chỉ gây phẫn nộ tột độ trong dư luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức trong giao thông hiện nay.
Hình ảnh lạnh lùng, vô cảm đến tàn nhẫn của người điều khiển chiếc xe tải nặng hàng chục tấn chầm chậm nghiền nát một sinh mạng khiến nhiều người rùng mình và đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với xã hội chúng ta? Phải chăng trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, con người đang dần trở nên hung dữ, mất kiểm soát và coi thường mạng sống của nhau đến vậy?
Những vụ việc tương tự không còn là cá biệt. Chúng ta đã chứng kiến không ít hành vi bạo lực đáng sợ xuất phát từ những va chạm giao thông tưởng chừng rất nhỏ; từ những lời lẽ lăng mạ, chửi bới đến những hành động thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thậm chí là dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn.

Chiếc xe tải cán qua người nạn nhân 2 lần ở Đồng Nai. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ một người đàn ông bị đánh chết chỉ vì va chạm nhẹ ở Hà Nội cách đây không lâu vẫn còn ám ảnh dư luận. Rồi những video ghi lại cảnh tài xế sẵn sàng lao vào ẩu đả, thậm chí truy đuổi nhau trên cao tốc chỉ vì một cái nháy đèn hay pha tạt đầu bất ngờ, tất cả cho thấy sự nóng nảy, thiếu kiềm chế và thái độ coi thường pháp luật đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong giao thông hiện nay.
Đáng lo ngại hơn là một bộ phận tài xế mang tâm ác; hành vi hung hãn của họ không phải nóng giận nhất thời mà còn là biểu hiện của suy nghĩ và hành động vô nhân tính. Không hiếm tài xế sau khi gây tai nạn, thay vì cứu giúp nạn nhân thì cố tình cán chết họ để “giải quyết hậu quả” một cách tàn nhẫn.
Những kẻ này tính toán đến những thiệt hại về kinh tế, những rắc rối pháp lý có thể phải đối mặt nếu nạn nhân sống sót, và rồi lạnh lùng tước đi quyền sống của họ. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là sự suy đồi về đạo đức đến tận cùng của sự tàn ác. Liệu những tài xế đó có còn chút nhân tính nào khi nhẫn tâm ra tay tước đoạt mạng sống của người đang nằm bất động trên đường chỉ vì muốn thoát tội hay giảm nhẹ rắc rối?
Trong bối cảnh đó, đưa môn đạo đức vào khóa học lái xe, trang bị cho những người sắp cầm lái những kiến thức về nhân quả công bằng, là giải pháp cần thiết và cấp bách. Chúng ta đừng đào tạo ra những người lái xe giỏi về kỹ thuật nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng về nhân phẩm và trách nhiệm cộng đồng. Việc giáo dục về đạo đức không chỉ giúp tài xế nhận thức được những hành vi đúng đắn, những chuẩn mực đạo đức cần tuân thủ khi tham gia giao thông mà còn giúp họ hiểu được giá trị của sự sống, sự tôn trọng đối với người khác.
Đặc biệt, các bài học về luật nhân quả có ý nghĩa sâu sắc để răn đe và phòng ngừa những hành vi sai trái. Niềm tin “gieo nhân nào gặt quả nấy” có thể trở thành hàng rào vô hình ngăn chặn những ý nghĩ và hành động độc ác. Khi một người tin rằng mọi hành động của mình đều có hậu quả tương ứng dù tốt hay xấu, họ sẽ có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, đặc biệt là những quyết định liên quan đến tính mạng và sự an toàn của người khác.
Ý thức trách nhiệm và lòng trắc ẩn của người lái xe sẽ được nâng cao nếu các bài học trong khóa đào tạo cấp bằng lái nhấn mạnh rằng, nhân quả không bỏ sót bất kỳ hành động nhỏ nào, những điều ác dù nhỏ nhất cũng có thể mang lại tai họa cho cả bản thân và những người thân yêu.
Tuy nhiên, việc đưa môn đạo đức vào chương trình đào tạo lái xe chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn là phải đảm bảo kỳ thi đầu ra được thực hiện nghiêm túc, khách quan và công bằng, không để tình trạng “học cho có, thi cho xong” tồn tại.
Những người không đạt yêu cầu về đạo đức, không thể hiện được sự hiểu biết và ý thức về trách nhiệm của mình thì tuyệt đối không được cấp bằng lái xe, đặc biệt là đối với những loại xe tải lớn, xe khách – những phương tiện có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu người điều khiển không có đủ phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm.