Đào tạo ngành công nghệ mới trong thời đại công nghiệp số

HNN - Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế (HUET) vừa tổ chức công bố hai chương trình đào tạo mới: Công nghệ Thiết kế vi mạch và Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao phù hợp với thời đại công nghiệp số.

 Sinh viên HUET nghiên cứu khoa học, công nghệ

Sinh viên HUET nghiên cứu khoa học, công nghệ

Chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng

PGS.TS Nguyễn Quang Lịch - Khoa trưởng HUET khẳng định, việc thành lập và công bố hai chương trình đào tạo mới là dấu mốc quan trọng của HUET. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, cùng sự đồng hành, góp ý thiết thực từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Lịch, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, IoT, cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp vi mạch - bán dẫn. Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch - một lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao, sáng tạo và hội nhập quốc tế. Đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế vi mạch ngay tại Huế không chỉ mang ý nghĩa chiến lược cho miền Trung mà còn thể hiện trách nhiệm của HUET trong phát triển lĩnh vực mũi nhọn này trên phạm vi cả nước.

Chương trình Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử được xây dựng theo định hướng hiện đại, gắn với xu thế năng lượng sạch, tự động hóa thông minh, điều khiển hệ thống. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt phục vụ chuyển đổi số và phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng của miền Trung và cả nước. Ngành kỹ thuật điện, điện tử, kết hợp năng lượng tái tạo, tự động hóa và chuyển đổi số trong sản xuất đang trở thành ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại học Huế, thông qua HUET đã tiên phong xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, là minh chứng cho tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm. Đây chính là nền tảng quan trọng để đào tạo đội ngũ kỹ sư Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và toàn cầu.

Cần kết nối doanh nghiệp bền vững

Tại buổi công bố hai chương trình đào tạo mới là Công nghệ Thiết kế vi mạch và Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử, ngày 12/7, tại Đại học Huế, TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế yêu cầu, trước mắt HUET tập trung các biện pháp quảng bá, thu hút tuyển sinh cho hai chương trình mới, đảm bảo chất lượng đầu vào để hình thành nguồn nhân lực tiềm năng. Đồng thời, HUET phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chuẩn bảo đảm chất lượng cho chương trình đào tạo, đáp ứng các yêu cầu theo Thông tư 04/2025, ngày 17/2/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến hội nhập quốc tế và khu vực. Tiếp đến, HUET cần kết nối doanh nghiệp một cách bền vững, sâu rộng hơn nữa để chương trình đào tạo luôn bám sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Cũng tại buổi công bố hai chương trình đào tạo mới này, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình đã nhấn mạnh, việc công bố hai chương trình đào tạo Công nghệ Thiết kế vi mạch và Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử có tính chiến lược, rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đây thực sự là dấu ấn quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đại học Huế, khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Thành phố Huế đang phát triển thành một thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ là trung tâm văn hóa - du lịch mà còn là trung tâm giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của miền Trung. Với mục tiêu đó, lãnh đạo thành phố luôn coi trọng vai trò của giáo dục, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ - kỹ thuật, vi mạch và bán dẫn - lĩnh vực đang được Đảng và Chính phủ quan tâm thông qua nhiều nghị quyết và chính sách.

HUET đã triển khai chương trình đào tạo Công nghệ Thiết kế vi mạch lần đầu tiên trong khu vực miền Trung, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn, như: Marvell, TSMC, Samsung..., thể hiện tinh thần tiên phong, nhạy bén và trách nhiệm với các chương trình hành động của Chính phủ, thành phố Huế và chiến lược phát triển của Đại học Huế.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/dao-tao-nganh-cong-nghe-moi-trong-thoi-dai-cong-nghiep-so-155982.html