Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 10 năm nhìn lại

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện hiệu quả Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' được ban hành theo Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tạo bước chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng lao động, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, nơi tổ chức nhiều hoạt động để dạy nghề cho người lao động - Ảnh: N.V

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, nơi tổ chức nhiều hoạt động để dạy nghề cho người lao động - Ảnh: N.V

Mục tiêu đề ra trong thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2015 là nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, tạo khả năng và cơ hội cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn nghề, học nghề nhằm tạo việc làm, nhất là cho đối tượng thanh niên, lao động nữ, lao động là người nghèo ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016 - 2020 là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện, UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời chỉ đạo cấp huyện, cấp xã thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ chỉ đạo. Hằng năm, theo chức năng nhiệm vụ được giao và trên cơ sở đăng ký nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT của địa phương, các sở, ngành phối hợp tổng hợp nhu cầu đăng ký đào tạo nghề trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn sát với thực tế… Nhờ đó, giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 45.624 lao động, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 23.270 người, số còn lại là nghề có trình độ trung cấp và cao đẳng; giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho 51.709 lao động, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 34.220 người, còn lại là nghề có trình độ trung cấp và cao đẳng. Nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả cao như trồng và chăm sóc cây ném trên cát, trồng và chăm sóc các loại hoa, nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật nuôi tôm, trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà, lợn, bò, sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, điện dân dụng, thêu ren, tin học ứng dụng… Những nghề này phù hợp với điều kiện tại địa phương, đảm bảo trên 80% lao động sau đào tạo sử dụng đúng nghề, áp dụng có hiệu quả vào cuộc sống.

Với cách làm này, tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 33,05% vào năm 2010 lên 65,88% năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 24,42% năm 2010 lên 47% năm 2020; bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 10.025 lao động, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp nhiều khó khăn. Nổi lên là lao động nông thôn ở một số nơi vẫn chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề đối với ổn định việc làm, thu nhập; đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng đối với những nghề kỹ thuật cao; việc lựa chọn các nghề phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các nghề có thế mạnh của từng địa phương chưa được phát huy. Một số địa phương chưa xác định được nghề đào tạo, chưa tư vấn được cho người lao động học nghề gì để sau học nghề có việc làm nâng cao thu nhập; công tác tổ chức, điều tra khảo sát của địa phương hằng năm chưa sát với thực tiễn, chưa đúng thời điểm nên việc lựa chọn nghề của các địa phương đưa vào đào tạo nghề cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề, người lao động chưa phát huy hết được hiệu quả trong sản xuất, phát triển kinh tế; nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện từ các chương trình còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của địa phương. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vừa và nhỏ, sức cạnh tranh và tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, chưa có doanh nghiệp đầu tư lớn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác trình độ, kỹ năng nghề của lao động còn yếu làm ảnh hưởng đến công tác tạo việc làm cho lao động sau đào tạo.

Bên cạnh đó, phần lớn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện còn gặp khó khăn do trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến công tác quản lý, giảng dạy; chế độ phụ cấp của cán bộ, viên chức chưa hoàn thiện, thậm chí còn thấp hơn đơn vị cũ trong lúc đó khối lượng công việc lớn hơn. Công tác xã hội hóa về dạy nghề còn chậm, do vậy chưa huy động được nhiều nguồn lực...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 40.000 LĐNT. Phấn đấu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%, tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%; đến năm 2030 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%, tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 36%. Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh xác định nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phải đạt mục tiêu cụ thể, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức thực hiện...

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154468