Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn nhiều thách thức

Do hoạt động không hiệu quả, đến nay hầu hết các trung tâm dạy nghề của các địa phương trong tỉnh đã sáp nhập với trung tâm giáo dục thường xuyên với tên mới là trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX). Tuy nhiên sau khi sáp nhập, mảng dạy nghề vẫn gặp nhiều khó khăn do không thu hút được người học. Điều này cũng dẫn đến sự lãng phí cả về nhân lực lẫn vật lực trong quá trình đầu tư của Nhà nước.

Học viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán thực hành nghề cơ khí . Ảnh: Nam Anh

Học viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán thực hành nghề cơ khí . Ảnh: Nam Anh

Nếu như trước đây, mỗi năm TTGDNN-GDTX huyện Định Quán tuyển sinh và đào tạo được khoảng 2 ngàn lao động nông thôn, thì nay con số này chỉ còn khoảng 200 người/năm (giảm tới 90%), một số nghề đã “cạn” người học, không có đầu ra.

* Khó thu hút người học

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ tuyển sinh đào tạo được 3.371 người có trình độ sơ cấp nghề, riêng đối với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ có 184 người tham gia học.

Theo Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán Ngô Đăng Thành, những năm đầu triển khai dạy nghề, số lượng học viên được đào tạo nghề trực tiếp tại trung tâm và mở lớp tại các xã khá lớn, với nhiều nghề phong phú như: hàn điện công nghiệp, may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi… Trung tâm còn kết nối được với doanh nghiệp tuyển sinh và đào tạo nghề may, người dân sau khi tốt nghiệp nghề may là có việc làm ngay.

Mặc dù việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các trung tâm dạy nghề là hoàn toàn miễn phí, song trong vài năm trở lại đây, mỗi năm TTGDNN-GDTX huyện Định Quán chỉ tuyển sinh và đào tạo nghề ngắn hạn được cho khoảng 200 người. Nhiều nghề như: may, tranh thúc đồng, chăn nuôi… gần như đã bị “khai tử” vì nhu cầu người học ít, học xong không có việc làm, sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ.

Ông Thành nêu ví dụ, trước đây trung tâm có dạy nghề tranh thúc đồng thu hút khá nhiều người học. Học viên học nghề có sản phẩm ngay, trong đó nhiều sản phẩm làm ra khá tinh xảo, không thua kém gì các làng nghề ở phía Bắc. Tuy nhiên khi sản phẩm mang đi chào hàng thì lại không có người mua, một phần vì thị trường phía Nam không mấy ưa chuộng tranh thúc đồng. Do đó, người học không còn mặn mà và hiện nay nghề tranh thúc đồng đã không còn được dạy tại TTGDNN-GDTX huyện Định Quán.

Hay như nghề may mặc, trung tâm từng liên kết với doanh nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Phú Cường tuyển sinh và đào tạo. Sau 3 tháng tham gia khóa học, học viên tốt nghiệp được công ty nhận vào làm việc ngay. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp không còn liên kết với trung tâm, thay vào đó tự tuyển dụng, đào tạo. Đại diện doanh nghiệp dệt may cho biết, việc đào tạo thành nghề cho một người chưa biết nghề may tới khi ngồi vào dây chuyển sản xuất chỉ cần 1 tháng, còn tại trung tâm thì lâu hơn. Hơn nữa người lao động thích vào doanh nghiệp vừa học vừa làm vì có thu nhập ngay.

Học viên lớp học nghề nấu ăn tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Trảng Bom tham gia phần thi lý thuyết cuối khóa. ảnh: Lê Nam

Học viên lớp học nghề nấu ăn tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Trảng Bom tham gia phần thi lý thuyết cuối khóa. ảnh: Lê Nam

Ở một số xã của huyện Cẩm Mỹ từng rộ lên phong trào người dân đua nhau đi học nấu ăn, cắm hoa, làm đẹp. Trong số các nghề nói trên, chỉ có nghề nấu ăn là có khả năng tìm việc làm, các nghề còn lại gần như học xong để đó. Vài năm trở lại đây, nhận thấy một số nghề ồ ạt mở theo kiểu phong trào không hiệu quả, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - thương binh và xã hội tạm dừng để tránh lãng phí, vì vậy số học viên giảm mạnh.

Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ Đào Công Từ cho biết, hiện UBND huyện quản lý rất chặt chẽ việc đào tạo nghề cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng việc đánh giá khả năng đầu ra trước khi mở lớp. Hoạt động dạy nghề đã bám sát hơn với thực tế, tập trung vào những nghề người dân thực sự cần, dễ dàng áp dụng và có thể mang lại hiệu quả cao. “Cán bộ của trung tâm sẽ trực tiếp xuống các xã dạy nghề theo hướng cầm tay chỉ việc để hướng dẫn và theo dõi quá trình học nghề của bà con nông dân, học xong có tổng kết đánh giá lại hiệu quả cụ thể” - ông Từ nhấn mạnh.

* Thách thức mới với đào tạo nghề

Muốn nông dân có thu nhập cao và ổn định nơi họ cư trú, nông dân phải được đào tạo nghề một cách bài bản, gắn với đặc điểm tình hình sản xuất của địa phương. Tuy nhiên công tác này đang tiếp tục gặp phải nhiều thách thức khi mảng dạy nghề ở TTGDNN-GDTX chưa thực sự đổi mới trong chương trình đào tạo, chưa gợi được những hướng mở để người dân có thể tìm hiểu và lựa chọn nghề phù hợp với bản thân. Thực tế không ít trung tâm không còn coi hoạt động dạy nghề là hoạt động chính mà có xu hướng dùng cơ sở vật chất cho các hoạt động liên kết tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học bên ngoài.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, ngoài việc chưa thực sự chủ động của các TTGDNN-GDTX thì phía người dân cũng không mấy mặn mà với việc học nghề tại các trung tâm vì học nghề xong lại khó áp dụng vào thực tế tại địa phương và gia đình. Mặt khác, trình độ và khả năng tiếp nhận kiến thức của đối tượng học nghề cũng khác nhau, nhất là với người lớn tuổi nên khá khó khăn trong việc thu hút người học.

Theo ông Nguyễn Ánh Ngọc, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Thống Nhất, huyện có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều loài cây ăn trái, chăn nuôi heo, gà, dê… Nhiều gia đình có đất sản xuất, nếu có kỹ thuật cơ bản là có thể phát huy được. Mặt khác, huyện đang phát triển mạnh về công nghiệp nên TTGDNN-GDTX có thể thu hút người học đến học nghề và giới thiệu việc làm, nhất là những nghề không chỉ tại huyện mà những địa bàn giáp ranh cũng đang cần như: may mặc, cơ khí…

Theo lãnh đạo UBND huyện Long Thành, sắp tới huyện sẽ thu hồi đất của 4.800 hộ dân các xã nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như: Bình Sơn, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Suối Trầu cũ, Long An, Long Phước. Sẽ có khoảng 15.500 nhân khẩu với khoảng 9.700 người trong độ tuổi lao động, trong đó có nhiều người dù đã lớn tuổi nhưng vẫn có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp mới vì trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Theo đó, nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn đang đặt ra thách thức lớn với TTGDNN-GDTX huyện trong việc thu hút người dân đến với các lớp dạy nghề.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh:

Muốn thu hút người học thì đào tạo phải có chất lượng

Muốn thu hút người học đến các TTGDNN-GDTX thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Điều đầu tiên là phải khẳng định được chất lượng đào tạo, muốn có chất lượng thì phải có chương trình đào tạo sát hợp với nhu cầu của người học, đội ngũ cán bộ phục vụ đào tạo phải có trình độ, kỹ năng và nhạy bén với thực tế. Cán bộ trung tâm phải chủ động đến với người dân để vận động, thuyết phục chứ không thể chỉ ngồi chờ có người thì dạy.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201911/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-con-nhieu-thach-thuc-2975324/