Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần giảm nghèo bền vững

Học nghề may công nghiệp giúp nhiều lao động nông thôn có thêm thu nhập - Ảnh: KIM CHI

Theo đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, góp phần giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở nhiều lớp đào tạo tại các xã vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận tiện để người dân học nghề. Từ đó, tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo được nâng lên, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững; nhiều lao động có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

Có nghề, thêm việc làm, tăng thu nhập

Trung tâm GDNN-GDTX TX Sông Cầu đã triển khai thực hiện mô hình may thời trang cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm tại xã Xuân Thịnh, góp phần xây dựng mô hình phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc trung tâm này cho biết: Người lao động được học nghề gắn với việc làm. Với nghề may dân dụng và công nghiệp, 75% học viên có việc làm, trong đó khoảng 50% học viên được doanh nghiệp tuyển dụng, 23% học viên tự tạo được việc làm.

6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở GDNN-GDTX trong toàn tỉnh tham gia tuyển sinh và dạy nghề cho 979 người. Trong đó, nghề phi nông nghiệp 687 người; nghề nông nghiệp 292 người. Các đối tượng học nghề gồm: LĐNT 647 người; người nghèo 177; người dân tộc thiểu số 146; người có công cách mạng 9. Các nghề đào tạo gồm: Điện dân dụng; may thời trang; phòng và trị bệnh cho trâu, bò, gà, vịt; kỹ thuật chế biến món ăn; tin học văn phòng; lái ô tô…

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh), nói: “Khi xã thông báo có lớp học nghề may đối với LĐNT, tôi đăng ký tham gia học 3 tháng, được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại. Giờ đây tôi có nghề sửa chữa quần áo cũ cho bà con trong xóm, có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi”.

Còn tại huyện Sông Hinh, từ đầu năm đến nay đã chiêu sinh và đào tạo 3 lớp nghề phòng bệnh cho bò, điện dân dụng và dệt thủ công cho LĐNT với hơn 100 học viên tham gia. Ông Trần Trung Tính, Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX huyện Sông Hinh, cho biết: Người học được chọn nghề và địa điểm học phù hợp. Các học viên nhận thức được lợi ích trong học nghề nên theo học đầy đủ, nắm bắt cơ bản kiến thức trong quá trình học. Số lao động có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75-80%.

Bên khung cửi, mí Nhơn ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, nói: “Khi thị trấn thông báo mở lớp học nghề dệt thổ cẩm, tôi đã đăng ký theo học để vừa tranh thủ thời gian dệt quần áo trong gia đình, nếu rảnh rỗi thì dệt bán sản phẩm theo đơn đặt hàng”.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một nội dung quan trọng, gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề chiếm 51%; tổ chức dạy cho 12.500 LĐNT, trong số lao động nông là 3.750 người. Tỉ sau khi trong giai 80%. “Việc hoàn thiện chính sách dạy nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp quan trọng giúp người học nâng cao trình độ kỹ năng nghề”, ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Phất, trên thực tế, để đạt được các chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn tới là bài toán tương đối khó. Vì đến thời điểm này, hoạt động đào tạo nghề ở tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; mạng lưới cơ sở dạy nghề toàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp theo hướng tập trung, tinh gọn nhưng nhiều trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện còn thiếu giáo viên cơ hữu. Cơ sở vật chất của một số cơ sở đào tạo nghề còn khó khăn, nhất là nhà xưởng thực hành; chưa chú trọng gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm. Một số lao động lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân, gia đình, nên tìm được việc làm sau khi học nghề thường không ổn định.

“Trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp với các hội, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; đi đôi với công tác vận động, giáo dục định hướng, tuyên truyền, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Các nghề đào tạo cho LĐNT đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất. Tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho LĐNT”, ông Phất cho biết.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/224237/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon--gop-phan-giam-ngheo-ben-vung.html