Đào tạo nghề cho người khiếm thị

Những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho hội viên, coi đây là giải pháp hữu hiệu giúp người khiếm thị vượt qua khiếm khuyết của bản thân, làm chủ cuộc sống, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Em Vũ Thành Luân, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên mở cơ sở tẩm quất cổ truyền, từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Dương Chung

Em Vũ Thành Luân, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên mở cơ sở tẩm quất cổ truyền, từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Dương Chung

Bị hỏng cả 2 mắt từ khi lên 3 tuổi, nên cuộc sống của chị Nguyễn Thị Quắt, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên gặp nhiều khó khăn. Năm 1988, chị Quắt được giới thiệu tham gia Hội Người mù Phúc Yên. Tại đây, chị được gặp gỡ những người đồng cảnh, cùng họ trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện cuộc sống… dần dần, chị đã thoát khỏi sự mặc cảm của bản thân, vượt qua rào cản, khó khăn, từng bước vươn lên làm chủ cuộc đời mình.

Năm 2005, khi khóa đào tạo nghề cho người khiếm thị đầu tiên được tổ chức, chị Quắt đã đăng ký tham gia học nghề làm tăm tre. Kết thúc khóa đào tạo, chị trở về địa phương cùng những hội viên khác thành lập tổ, nhóm sản xuất tăm tre và bán cho các đơn vị, đoàn thể, trường học trong và ngoài địa phương. Có nghề trong tay, chị Quắt dần có thêm thu nhập, có thể tự nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Hội Người mù tỉnh hiện có hơn 1.400 hội viên, sinh hoạt ở 95 chi hội xã, phường, thị trấn. Xác định người khiếm thị là đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do vậy, những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn chủ động mở những chương trình dạy nghề, tạo việc làm giúp hội viên khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vũ Hùng Mông cho biết: “Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện công tác hội, chăm lo đời sống cho người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh rất chú trọng các hoạt động trợ giúp hội viên; hoạt động được hội quan tâm nhất chính là đào tạo nghề.

Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội và địa phương, hội liên tục mở các lớp đào tạo, sản xuất tăm tre, kết chổi chít, chăn nuôi, trồng trọt, tẩm quất, học chữ braille (chữ nổi) thu hút đông đảo hội viên tham gia...".

Hiện nay, hội đang quản lý 29 cơ sở dịch vụ tẩm quất xoa bóp trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 hội viên, với mức thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Một số hội viên sau khi được đào tạo nghề đã tự mở dịch vụ tại nhà với thu nhập trung bình 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc đào tạo nâng cao tay nghề, hội cũng chú trọng đến việc nâng cao văn hóa ứng xử cho hội viên trong việc chăm sóc khách hàng... Nhờ đó, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tại cơ sở dịch vụ tẩm quất, xông hơi, giác hơi tập trung của hội và một số cơ sở do hội viên làm chủ vẫn thu hút lượng khách nhất định.

Ngoài ra, các mặt hàng truyền thống như làm tăm tre, chổi chít… đã được hội phối hợp với ngành Giáo dục, các hội đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên và một số doanh nghiệp liên kết giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ hội việc làm ổn định cho hội viên.

Năm 2021, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức được 3 lớp học nghề tẩm quất xoa bóp cổ truyền, ứng dụng tin học văn phòng và 1 lớp sử dụng điện thoại thông minh trong công tác truyền thông. Được đào tạo nghề, nhiều hội viên đã mạnh dạn, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Điển hình như em Vũ Thành Luân, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Luân bị hỏng cả 2 mắt sau một vụ tai nạn. Từ một cậu sinh viên năng động, vui vẻ với tương lai rạng ngời, Luân trở lên mặc cảm, tự ti và ngại giao tiếp với mọi người. Năm 2018, Luân được giới thiệu đến Hội Người mù tỉnh, gặp gỡ và trò chuyện với những người đồng cảnh em đã bớt tự ti và dần lấy lại tự tin để thay đổi bản thân, sống cuộc sống tích cực hơn.

Khi Hội Người mù mở các lớp đào tạo nghề, Luân được tạo điều kiện cho học lớp tẩm quất cổ truyền cơ bản. Sau 3 tháng học tập, Luân xin vào làm việc tại một cơ sở tẩm quất tại thành phố Phúc Yên. Làm việc được 6 tháng, có kỹ năng thành thạo, Luân tự mở một cơ sở dịch vụ tẩm quất xoa bóp, tạo việc làm cho 1 hội viên cùng lớp với mức thu nhập 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Luân cho biết: “Bị mất thị giác khi cánh cửa tương lai đang rộng mở khiến em vô cùng hụt hẫng. Được hội và các hội viên giúp đỡ, em đã vượt lên số phận; em suy nghĩ, cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra và em đã dũng cảm bước vào đó. Chặng đường mới sẽ gian nan và nhiều thử thách, nhưng em tin bản thân mình sẽ đủ cố gắng để vượt qua tất cả.

Không nhìn thấy ánh sáng, cơ hội nghề nghiệp của em sẽ hạn chế hơn rất nhiều, vì vậy, nghề tẩm quất là một trong số ít các nghề mà em có thể làm được, giúp bản thân em nói riêng và người khiếm thị nói chung có được thu nhập từ sức lao động của mình, không còn mặc cảm, bi quan vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác”.

Có thể thấy, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho những người khiếm thị là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là minh chứng của sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người khiếm thị cải thiện cuộc sống, giúp họ vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng.

Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút các nguồn tài trợ; phối hợp chặt chẽ cũng như bám sát cơ sở, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp; tạo việc làm cho hội viên khó khăn, giúp các hội viên dần ổn định cuộc sống.

Bích Huệ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76887/dao-tao-nghe-cho-nguoi-khiem-thi.html