Đào tạo nghề để giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số tại Lào Cai
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được các địa phương ở miền núi chú trọng. Thực tế cho thấy, đây là hướng đi góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng cao. Để thực hiện chủ trương này, tỉnh Lào Cai đã có chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề cho những đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Lớp dạy sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp mới được tổ chức tại xã Phìn Ngan. Hầu hết học viên đều là người dân tộc thiểu số, sống tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Chương trình đào tạo dù chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng các học viên đều thành thạo các thao tác sửa chữa, vận hành máy móc.
Nhờ được trang bị những kĩ năng, cách làm mới nhiều học viên đã dễ dàng tìm được những công việc với mức lương ổn định. Nhiều mô hình trong sản xuất, chăn nuôi được áp dụng kĩ thuật, quy trình hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, cho thu nhập cao.
Với hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số , từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tổ chức bồi dưỡng, dạy nghề cho trên 1.200 người. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có trên 12.000 nghìn lao động được tham gia đào tạo, tập huấn thuộc gần 100 mã ngành nghề khác nhau.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc là giải pháp căn cơ nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.