Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”, những năm qua, huyện Mai Sơn đã tăng cường tổ chức các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm, giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Hiện nay, huyện có 104.152 người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về công tác đào tạo nghề. Khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, thống kê phân loại để có kế hoạch lựa chọn đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của địa phương cho từng giai đoạn.
Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp và nhu cầu xã hội. Tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn vốn vay đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị tuyển dụng có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, như Công ty TNHH CN Brother Việt Nam; Trường cao đẳng Than khoáng sản; Công ty giầy Aurora; Công ty LG; Goertek Vina Bắc Ninh; Công ty Việt Hào; Công ty thủy điện Huội Quảng; Công ty may Tinh Lợi... để tuyển dụng lao động. Đồng thời, tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm tại các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh, tìm hiểu hoạt động, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp để thực hiện các chương trình tư vấn, tuyển dụng lao động của huyện và các đơn vị tuyển dụng. Hiện nay, huyện có 6.107 lao động đi lao động ngoài tỉnh, với mức thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động, các cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động liên kết, kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh, như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn; Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc; Công ty cổ phần thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, tuyển chọn hàng trăm lao động nông thôn vào làm việc, với mức thu nhập ổn định.
Chị Quàng Thị Hồng, công nhân Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, chia sẻ: Chúng tôi có việc làm ổn định, thu nhập 7,8 triệu đồng/người/tháng, các chế độ thưởng cuối năm, ngày lễ, tết kịp thời, động viên chúng tôi gắn bó với doanh nghiệp.
Công tác đào tạo nghề cũng được huyện quan tâm thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã phối hợp với Trường đại học Tây Bắc, Trường cao đẳng Sơn La tổ chức 16 lớp đào tạo nghề cho 539 lao động nông thôn về các kỹ thuật: Trồng rau an toàn; trồng và chăm sóc cây ăn quả; trồng chăm sóc, thu hoạch và sơ chế cà phê; nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ triệu đồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Thực hiện chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho lao động từ nguồn quỹ giải quyết việc làm, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 1.209 lao động vay tổng dư nợ trên 57 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Thuyên, bản Mé, xã Chiềng Chung, được vay 95 triệu đồng (hạn mức cao nhất của chương trình giải quyết việc làm). Ông Thuyên phấn khởi nói: Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn tạo điều kiện cho vay vốn, tôi đã mua 3 con bò 3B, sửa chữa chuồng trại theo hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, đàn bò đã phát triển lên 7 con, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mai Sơn là giải pháp quan trọng, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thông qua công tác đào tạo nghề đã giúp người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện của gia đình, cũng như khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.