Đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lựcĐào tạo nghề gắn nhu câùPhát huy các bài học kinh nghiệm

Thực hiện 'Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' (gọi là Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bắc Bình tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Đáng chú ý, sau thời gian học nghề, nhiều lao động nông thôn (LĐNT) đã có việc làm để cải thiện, nâng cao nguồn thu nhập, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.

Đào tạo nghề nâng cao chất lượng

Đánh giá về công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2010 - 2020, đại diện lãnh đạo huyện Bắc Bình cho biết: 10 năm qua, huyện luôn xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động, ổn định cuộc sống. Hàng năm, số lượng người tham gia học nghề tăng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện được đầu tư. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp 18 nghề. Trong đó có 7 nghề nông nghiệp và 11 nghề phi nông nghiệp.

Lớp học “Văn hóa – nghề” tại Bắc Bình

Lớp học “Văn hóa – nghề” tại Bắc Bình

Thực hiện chương trình đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện còn chỉ đạo dạy các nghề có thế mạnh của địa phương như: trồng và chăm sóc cây thanh long, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo vệ thực vật, trồng cây lương thực... Đồng thời, lựa chọn nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với người học, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Riêng trang thiết bị đào tạo nghề, từ năm 2009 huyện được cấp trang thiết bị để tổ chức đào tạo 11 nghề. Trong đó, các nghề thu hút nhiều học viên theo học gồm: tin học, điện cơ – điện dân dụng, may dân dụng, sửa chữa xe môtô – gắn máy, sửa chữa máy nông nghiệp và dinh dưỡng kỹ thuật nấu ăn… Đa số lao động sau khi được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề đã áp dụng có hiệu quả vào việc phát triển sản xuất, thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Qua 10 năm triển khai Đề án 1956 với nhiều kết quả quan trọng đã giúp Bắc Bình rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo. Nhất là trong điều kiện Bắc Bình cần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, Bắc Bình đào tạo nghề cho khoảng 1.000 LĐNT trên các lĩnh vực, bình quân 200 người/năm; ít nhất có trên 80% số người học nghề có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao. Để đạt mục tiêu trên thì việc phát huy các bài học kinh nghiệm và ban hành, bổ sung thêm các giải pháp phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện Đề án 1956 của huyện ở giai đoạn tiếp theo.

Song song với việc chú trọng tuyên truyền, vận động để nhân dân biết và hiểu rõ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và tầm quan trọng về đào tạo nghề cho LĐNT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bắc Bình xác định việc thực hiện Đề án 1956 phải được lồng ghép chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển của từng địa phương gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

T.Hà

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-131874.html