Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, thị trường lao động, lấy trung tâm là nhu cầu của doanh nghiệp, chấm dứt kiểu thụ động như hiện nay.
Chuẩn bị lao động đón “sóng” FDI mới
Phát biểu tại Hội thảo Định hướng xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030, diễn ra sáng 16/6, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng: GDNN phải đào tạo ra nguồn nhân lực không chỉ phù hợp với thị trường trong nước, còn phải đáp ứng cả nhu cầu quốc tế. Hiện, mỗi năm Việt Nam đưa 130 – 150 nghìn lao động chính thức đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Quân nhận định, nhân lực giá rẻ (lương tối thiểu 200 USD/tháng) là yếu tố hút nhà đầu tư tới Việt Nam, và 5 năm nữa, đây vẫn là nơi có giá nhân công thuộc nhóm rẻ nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần cạnh tranh không chỉ ở chi phí thấp, mà dần phải nâng cao chất lượng lao động.
“Doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải đổi mới công nghệ, khi đổi mới họ có nhu cầu tuyển lao động trình độ. Ngoài ra, không chỉ ở các thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, chúng ta phải hướng tới các các nước phát triển ở châu Âu, Đông Âu… nơi rất cần nhân lực”, ông Quân nói.
Để xác định rõ khung chiến lược GDNN giai đoạn tới, PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, phải xác định rõ cấu trúc hệ thống đào tạo GDNN, đáp ứng trình độ công nghệ của đất nước trong từng giai đoạn. Từ đó, thiết kế cách đào tạo đáp ứng phù hợp với những thay đổi của thị trường. Đặc biệt là tạo dựng nguồn nhân lực sẵn sàng đón doanh nghiệp FDI mới, không để nhà đầu tư đi mất vì chất lượng lao động kém.
Chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, các hiệp định thương mại, công nghệ và các xu hướng khác đang tạo ra nhiều nhu cầu kỹ năng mới. Chiến lược GDNN cần xem xét việc tăng cường dự báo nhu cầu, đặc biệt sau COVID-19 đã cho thấy cần phải có một hệ thống GDNN có tính linh hoạt hơn kiểu đào tạo truyền thống.
Chú trọng ngoại ngữ, cải thiện kỹ năng nghề
PGS.TS Dương Đức Lân (chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác Xã hội Việt Nam) chỉ ra rằng, điểm yếu nhất của lao động Việt Nam là kỹ năng nghề. Hơn một nửa lao động trong nước (53%) có kỹ năng yếu và trung bình, so với các nước trong khu vực Asean là 44%, Asean 4 hơn 30%.
“Đây là khoảng cách lớn. Năm 2019, Việt Nam tăng 13 bậc, lên thứ 102 về dạy nghề trên toàn thế giới. Chúng ta phải xem người ta xếp hạng những tiêu chí nào, những tiêu chí ấy chúng ta đạt được đến mức độ nào, cần làm gì để xếp hạng 80 trong 10 năm nữa”, ông Lân đặt vấn đề.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chỉ ra, GDNN hiện còn yếu trong việc đào tạo ngoại ngữ. Điều này dẫn đến thực trạng đáng buồn ở thị trường quốc tế, công ty đa quốc gia, công nhân có nghề nhưng không đáp ứng đươc trình độ ngoại ngữ.
Để việc đào tạo nghề hiệu quả hơn, theo ông Dũng, cần ứng dụng giáo dục sẻ chia. Bằng cách này, các trường cùng chia sẻ hệ thống học liệu, cơ sở vật chất, giảng viên, tăng cường tính liên kết trong đào tạo, xóa tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.
Ông Dũng cũng cho rằng, chiến lược đào tạo nghề phải hướng tới tính hệ thống, thay vì hệ thống này đang bị giãn đoạn khi tách rời hai hệ đại học và cao đẳng, trung cấp nghề.
“Cần tạo ra bước đột phá bằng cách đưa toàn bộ mảng đại học đào tạo ứng dụng sang GDNN, hệ thống GDNN khi ấy sẽ lớn mạnh hơn. Đại học chỉ gồm các trường nghiên cứu, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của đất nước. Không thể để bao nhiêu áo mặc chung với nhau như bây giờ được”, ông Dũng bày tỏ.
Theo báo cáo cung cầu kỹ năng trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lực lượng lao động trẻ có trình độ cao hơn các nhóm tuổi còn lại, 30% lao động từ 15-24 tuổi có trình độ đại học, 15% lao động từ 25-64 tuổi có trình độ cao học. Chỉ hơn 50% lao động qua đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường, gần 40% lao động đào tạo bị thiếu kỹ năng, trong đó phần nhiều là nhóm ngành nông nghiệp và kỹ thuật