Đào tạo nghề phải thiết thực, hiệu quả

Một trong những ưu điểm của những lớp dạy nghề lao động nông thôn là giúp giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương, đặc biệt là những đối tượng như: phụ nữ, người lớn tuổi. Bà con có thể vừa coi sóc gia đình, vừa làm việc để kiếm thêm thu nhập, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Dạy nghề truyền thống

Năm 2014, Làng nghề đan giỏ ny-lon xã Tấn Mỹ (Chợ Mới) được công nhận làng nghề truyền thống, điều này tạo thêm động lực cho người dân ở địa phương gìn giữ và phát triển nghề bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Không chỉ người dân ở địa phương mà bà con ở các vùng lân cận như: Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, An Thạnh Trung (Chợ Mới, An Giang) cũng theo nghề đan giỏ ny-lon. Trong tháng 7 này, cơ sở đan giỏ ny-lon của bà Phạm Thị Tuyết Oanh tiếp tục mở thêm 1 lớp dạy nghề cho bà con ở địa phương. Cơ sở của bà Oanh là một trong những cơ sở có lịch sử lâu năm ở địa phương, tham gia giải quyết cho hàng trăm lao động ở nhiều nơi.

Trước đó, bà Oanh còn đến các xã lân cận của huyện Chợ Mới hay sang các địa phương khác, như: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn mở các lớp dạy nghề đan giỏ, khi địa phương có nhu cầu. Các lớp học được mở ngay tại cơ sở, bà Oanh là người trực tiếp hướng dẫn học viên. Đây là lợi thế mà nhiều lớp học ở những nơi khác chưa có được. Khi được học nghề tại cơ sở, học viên sẽ có đầy đủ nguyên, vật liệu, được tham quan, trao đổi kinh nghiệm làm sản phẩm... bởi giáo viên là những người trực tiếp làm nghề.

Nhờ các lớp dạy nghề đã giúp cho lao động ở nông thôn có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình

Học nghề xong, bà con có thể trực tiếp nhận gia công sản phẩm từ cơ sở của bà Oanh cũng như nhiều cơ sở trong xã. Tiền công từ 14.000 đồng/cái trở lên, tùy kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau và độ cầu kỳ của từng mẫu giỏ. “Nghề đan giỏ ny-lon dễ học và dễ làm, bất kể là đàn ông, phụ nữ, người lớn, trẻ nhỏ đều có thể tham gia đan giỏ... càng học càng thạo nghề” - bà Oanh giải thích.

Từ đầu năm, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên các đơn đặt hàng xuất khẩu bị gián đoạn, nay đã được khai thông trở lại. Dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng chung, việc mua bán chững lại, tuy nhiên bà Oanh cố gắng đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho người dân làm xuyên suốt, còn phần mình bà phải tự đi tìm thêm “đầu ra” ở các thị trường trong nước.

“Trong thời điểm đó, cơ sở bắt đầu sáng tạo ra nhiều mẫu giỏ đẹp, thời trang, có tính ứng dụng cao. Ngoài ra, mình còn bỏ thời gian đi chào hàng, tìm đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung. Khi có được đầu ra, bà con mình có việc làm, giúp nhiều chị em vừa có thể ở nhà coi sóc nhà cửa lại có thêm được thu nhập tiếp lo kinh tế gia đình”- bà Oanh chia sẻ.

Dạy nghề ngắn hạn

Phường đoàn Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc, An Giang) phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ phường vừa mở lớp dạy nghề làm chả lụa thịt heo cho các đối tượng là đoàn viên và hội viên ở địa phương. Tuy lớp học chỉ kéo dài trong khoảng 2 ngày, nhưng trong quá trình dạy học, giáo viên hướng dẫn rất kỹ các công đoạn từ các chọn loại thịt heo ngon; tỷ lệ pha thịt, mỡ, bột hoàn chỉnh; cho đến cách gia giảm gia vị như thế nào để có được 1 đòn chả lụa vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Theo Bí thư Phường đoàn Vĩnh Mỹ Tăng Huỳnh Thanh Phong, mỗi năm sẽ có ít nhất 4 lớp dạy nghề được mở dành cho các hội, đoàn thể ở địa phương. Trước khi mở 1 lớp dạy nghề nào đó, địa phương đều tham khảo nhu cầu, ý kiến của bà con để có được hiệu quả thiết thực nhất. Qua đó đáp ứng được phần nào nhu cầu nghề nghiệp của bà con trên địa bàn phường.

Các hội viên, đoàn viên theo học các lớp dạy nghề ngắn hạn ở địa phương, một phần đã có nghề nghiệp riêng nhưng đa phần vẫn là các học viên chưa có tay nghề, muốn học nghề để kinh doanh, mua bán, cải thiện kinh tế cho gia đình. “Đợt này, chọn nghề làm chả lụa để dạy vì khá đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Trong thời gian học, học viên được theo dõi, tự tay thực hành để tạo ra thành phẩm, có khó khăn, chưa hiểu vấn đề gì, giáo viên sẽ nhiệt tình giải thích để học xong là có thể làm ngay được” - anh Phong thông tin.

Dẫu biết rằng, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn bất cập, nhiều việc đáng bàn nên vẫn chưa thu hút được bà con ở các địa phương. Thời gian tới, nếu nhận được sự quan tâm của các địa phương bằng việc mở các lớp học thiết thực, cũng như người dân thay đổi nhận thức về học nghề, ứng dụng vào sản xuất... Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở địa phương.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dao-tao-nghe-phai-thiet-thuc-hieu-qua-a279651.html