Đào tạo nghề phù hợp đối tượng
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Cái Nước đã tập trung nhiều giải pháp phù hợp thực tế địa phương. Đặc biệt, với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề nông thôn cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, để từ đó giúp họ có cơ hội phát triển kinh tế ổn định.
Năm 2023, bằng việc lựa chọn nhiều mô hình áp dụng phù hợp với địa phương, huyện Cái Nước đã tổ chức được 104 lớp đào tạo nghề, truyền nghề với 3.838 học viên, đạt 106,61% chỉ tiêu. Trong đó, đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nông thôn mới 12 lớp với 411 học viên; đào tạo theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 10 lớp với 301 học viên; 82 lớp truyền nghề với 3.126 học viên.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Phòng phối hợp cùng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, Công ty TNHH MTV Thiên Việt Cà Mau, Công ty TNHH MTV Thành Đạt và UBND các xã, thị trấn mở được 4 lớp đào tạo nghề nông thôn với 124 học viên, gồm 2 lớp nuôi trồng thủy sản, 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y, 1 lớp chăn nuôi thú y. Ngoài ra, trong năm nay dự kiến tổ chức 12 lớp đào tạo nghề theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững".
Tại xã Thạnh Phú, ngay khi nhận được thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện, xã đã chủ động rà soát các đối tượng có nhu cầu tham gia lớp đào tạo nghề nông thôn. Sau khi rà soát nhu cầu, hoàn cảnh, tình hình thực tế từng gia đình, UBND xã đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau mở lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y với 30 học viên tham gia. Đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Ban tổ chức lớp chọn 1 mô hình, địa điểm thực hiện thuận lợi để học viên dễ dàng đến học. Lớp học diễn ra từ tháng 5-7 vừa qua, trong đó 30% học lý thuyết và 70% thực hành.
“Cán bộ xã đều đặn hàng tuần cùng với thầy lên lớp quản lý, rà soát học viên. Lớp học nhằm giúp cho bà con có kiến thức về chăn nuôi, từ đó thực hiện mô hình đạt hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Quyền, cán bộ phụ trách Văn hóa xã Thạnh Phú, cho biết.
Thầy Văn Truyền Thống, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, thông tin: “Thường thì đầu năm, phía trường và xã có chương trình phối hợp đào tạo, phần lớn là đào tạo theo chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Học viên là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Lớp học giúp bà con có thêm kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi để sau khi học xong có thể áp dụng, tăng thêm thu nhập, từ đó phát triển kinh tế. Với ý nghĩa này, giáo viên của trường giảng dạy rất tâm huyết, đó là dạy làm sao thật kỹ, thật sát, thật dễ hiểu để bà con dễ tiếp cận, sau này áp dụng thực hiện sản xuất có hiệu quả cao nhất”.
Tham gia lớp học, được hướng dẫn các quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà, ông Nguyễn Văn Nghĩa, ấp Phấn Thành, xã Thạnh Phú, cùng với 29 học viên của lớp đã có thêm nhiều kiến thức chăn nuôi mới, khác hẳn với cách chăn nuôi truyền thống không hiệu quả. Ông Nghĩa cập nhật thêm kiến thức mới về kỹ thuật chăn nuôi hiện nay, quy trình xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, phòng ngừa và nhận biết các bệnh thường gặp ở gà.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Thầy giáo tận tình giảng dạy, hướng dẫn cho học viên. Thời gian lớp học không dài, không như học chính quy, nhưng cũng giúp cho bà con biết sơ cấp về chăn nuôi, nhất là về phòng bệnh cho vật nuôi”.
Dự án đào tạo nghề nông thôn nằm trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững sẽ giúp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có được điều kiện thuận lợi sản xuất. Từ những kiến thức được cập nhật, bà con sẽ áp dụng phù hợp, phát triển kinh tế cho gia đình mình, định hướng ổn định cuộc sống trong thời gian tới./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dao-tao-nghe-phu-hop-doi-tuong-a34062.html