Đào tạo nghệ thuật - Nhiều nghịch lí vẫn tồn tại
Những ngày qua, vướng mắc liên quan 273 học viên nhập học hệ cao đẳng từ năm 2012 đến 2016 tại Học viện Múa Việt Nam không có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) và Trung cấp chuyên nghiệp đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng, đây có lẽ chỉ là giọt nước tràn ly bởi những bất cập trong quản lý các cơ sở giáo dục nghệ thuật.
Có bằng cao đẳng nhưng không có bằng... trung học
Lý giải nguyên nhân dẫn đến vụ việc nêu trên, ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, do yêu cầu đào tạo của ngành nghệ thuật mang tính đặc thù, nhằm đáp ứng những tiêu chí khắt khe của nghề diễn viên múa, trường phải đào tạo học viên từ khi các em còn nhỏ.
Học hết lớp 6, các em đã có thể được tuyển vào trường. Vì vậy, song song với kiến thức chuyên môn, các em được tiếp tục học chương trình văn hóa phổ thông. Ðó là lý do Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản của trường được thành lập với đội ngũ giáo viên cơ hữu, để đảm đương nhiệm vụ đào tạo kiến thức văn hóa phổ thông cho học viên theo Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, thuộc nhóm ngành múa được ban hành theo Quyết định số 92/2004 ngày 1-10-2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH-TT&DL).
Ðây là chương trình khung được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa Bộ VH-TT&DL với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong đó thiết kế chương trình giáo dục phổ thông nằm trong chương trình giáo dục trung học chuyên nghiệp và được áp dụng tại các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp về văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Cùng với quyết định này, chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được trường thực hiện theo Quyết định số 16/2006 ngày 5-5-2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục cấp THPT được trường thực hiện theo Thông tư số 16/2010 ngày 28-6-2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Sau khi hoàn thành chương trình, người theo học được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, không cấp bằng THCS, THPT. Với bằng này, học viên có thể thi lên các bậc học cao hơn ở các trường thuộc nhóm văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, trường đã đào tạo theo đúng quy định của Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp nhóm ngành múa.
Năm 2012- 2013, trường mở thêm hệ đào tạo bậc cao đẳng diễn viên, tuyển sinh các em từ 12 đến 13 tuổi với mong muốn học viên đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ được nhận bằng cao đẳng diễn viên múa hệ chính quy. Ðây là chương trình đào tạo đặc thù, tích hợp trình độ trung cấp (giai đoạn một) và cao đẳng (giai đoạn hai). Sau khi trúng tuyển, học hết giai đoạn 1, học viên sẽ thi chuyển giai đoạn và học lên giai đoạn 2.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, trường đã không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào từ trình độ trung cấp, không đăng ký phôi bằng trung cấp cho các khóa đào tạo tích hợp trình độ trung cấp - cao đẳng với Bộ GD&ÐT, cho nên học viên các khóa này không được nhận bằng trung cấp khi học hết giai đoạn 1.
Vì thế, 273 học viên đã hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Trong khi đó, một số trường đào tạo đại học thuộc khối ngành nghệ thuật lại yêu cầu thí sinh phải có bằng trung cấp chuyên nghiệp theo quy định chứ không phải bằng cao đẳng nếu muốn vào học. Ðiều này gây bức xúc cho học viên và phụ huynh. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao cùng là khối trường nghệ thuật nhưng mỗi trường mỗi khác, học sinh trường này lại không thể chuyển sang trường kia?
3 bộ cùng quản vẫn bất cập
Một số cơ sở giáo dục nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam... có 3 bộ cùng quản lý gồm Bộ GD&ĐT; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ VH-TT&DL. Sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo... đã dẫn đến nhiều bất cập mà câu chuyện ở Học viện Múa Việt Nam vừa qua chỉ là điển hình.
Vấn đề này đã được Bộ VH-TT&DL lên tiếng từ lâu, tuy nhiên, cho đến nay những bất cập chưa được tháo gỡ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có đào tạo nhân lực lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật.
Cụ thể, quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu lại cào bằng như các lĩnh vực khác là bất hợp lý. Vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật... Thực tế này dễ dẫn đến sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, về đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Bên cạnh đó, quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định đối với khối đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật...
PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần có sự điều chỉnh quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc có những văn bản hướng dẫn riêng đối với tuyển sinh và đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Đơn cử như quy định về thời gian cứng đào tạo của nghệ thuật giống như các ngành nghề khác là bất hợp lý. Ví dụ, đào tạo diễn viên trung cấp chuyên ngành cải lương có thể 3 năm nhưng với đào tạo diễn viên tuồng thì thời gian đó lại quá ngắn và không đáp ứng được chất lượng đào tạo. Bản thân các chuyên ngành diễn viên ở các loại hình sân khấu khi đào tạo cũng đã rất khác nhau từ cách thức cho tới thời gian.
Tương tự với ngành múa, hiện nay học sinh vào học tại trường từ lúc còn nhỏ (khi mới học hết lớp 6 hoặc lớp 7, 8), vì vậy, học sinh phải tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông đồng thời với học kiến thức chuyên môn tại trường.
Từ năm 2019, theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT như trước mà chỉ được giảng dạy chương trình 4 môn, chỉ liên thông được từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, không liên thông lên đại học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức giảng dạy cho người học có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên để thi tốt nghiệp THPT. Bởi vây, nhiều trường nghệ thuật sẽ phải liên kết với đơn vị giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho những học sinh có nhu cầu được cấp bằng phổ thông trong quá trình theo học chuyên môn.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên trường nghệ thuật, hình thức này cũng mang đến nhiều điều đáng ngại. Học sinh theo ngành học các ngành nghệ thuật đều học từ khi còn nhỏ, tâm sinh lý các em chưa trưởng thành, lại phải thường xuyên di chuyển giữa trường nghệ thuật và trung tâm giáo dục thường xuyên để hoàn thành việc học nghề và học văn hóa song song sẽ vừa bất tiện cho quá trình quản lý, vừa khiến việc học tập, sinh hoạt của các em gặp nhiều khó khăn.
Cần cơ chế đặc thù
Với nhiều ngành nghệ thuật như múa, xiếc hay nhạc, đào tạo nghệ thuật chính là đào tạo tinh hoa, đòi hỏi người học phải có năng khiếu, được tuyển chọn và đào tạo từ khi còn nhỏ. Thông thường, hệ trung cấp kéo dài từ 6 đến 9 năm, người học phải học thêm 4 năm nếu tiếp tục bậc đại học. Quá trình học tập, giảng dạy yêu cầu phải bảo đảm tính liên tục nhiều năm kết hợp sự sàng lọc, đào thải khắt khe. Do đó, nếu đánh đồng việc đào tạo năng khiếu nghệ thuật (cần khoảng 10 năm) tương đương với đào tạo nghề (chỉ cần 6 tháng tới 3 năm) là điều bất hợp lý.
Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cho biết, có rất nhiều thay đổi trong quy định về đào tạo trong thời gian vừa qua, nhiều lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chịu những ảnh hưởng rất lớn. Tại nhiều cuộc làm việc giữa các Bộ, ngành cũng đều thấy rất rõ vấn đề mấu chốt là cần thay đổi cách nhận thức và cần có những quy định riêng cho các cơ sở đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật.
Đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù hiện nay cần phải có sự vào cuộc xử lý của các Bộ, ngành liên quan để các trường có được những căn cứ pháp lý đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật. Bộ VH-TT&DL cũng đã hoàn thành báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành về đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã tiếp thu ý kiến của Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH. Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT&DL đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo, giao Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn, cho phép các cơ sở đào tạo đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp mang tính đặc thù kết hợp như đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa đối với lĩnh vực nghệ thuật...; đồng thời, giao Bộ VH-TT&DL thời gian tới tổ chức tổng kết, đánh giá công tác đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, xác định những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân làm căn cứ xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành văn bản pháp quy quy định về đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù phù hợp thực tiễn.
Theo quy định trước năm 2018, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT, được tham dự kỳ thi đại học. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) được tham dự kỳ thi đại học.
Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, để người học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho học sinh, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.