Đào tạo nghề: Tuyển đã khó, giữ càng khó hơn

Học nghề Công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) theo học tại các trường cao đẳng, dạy nghề “rơi rụng” quá nhiều trong quá trình học khiến hiệu suất đào tạo nghề bị giảm sút nghiêm trọng.

Nỗi lo bỏ học giữa chừng

Theo các trường cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tuyển sinh được đã khó, giữ được người học đến khi tốt nghiệp lại càng khó hơn. ThS Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Có năm trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu, nhưng chỉ sau học kỳ 1 năm nhất đã có gần 20% học sinh bỏ học, đến khi tốt nghiệp thì có gần 30%.

Nguyên nhân bỏ học là do HS chưa xác định được nghề nghiệp mà mình theo đuổi, lại thêm tâm lý học trung cấp dễ khiến các em chán nản. Một lý do nữa, HS học các nghề kỹ thuật đa số là nam, đang ở lứa tuổi đi nghĩa vụ quân sự, trong khi bậc trung cấp không được miễn nghĩa vụ quân sự như đại học và cao đẳng. Do vậy, có em đang học giữa chừng thì phải bỏ để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, tình hình cũng không khác là mấy, khi số lượng HSSV “rơi rụng” trong quá trình đào tạo cũng xấp xỉ 20%. ThS Huỳnh Mạnh Nhân, phụ trách Phòng Quản lý đào tạo của trường, cho hay: Tại trường có 2 hệ đào tạo đầu vào là tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT. Nhiều em sau khi vào học có bằng THPT rồi năm sau đăng ký thi đậu vào một trường đại học nào đó nên bỏ. Không ít em do chọn ngành nghề chưa phù hợp nên sau thời gian ngắn theo học thì chán nản bỏ học. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ phía người học, nhất là với học sinh sau tốt nghiệp THCS, vì không theo kịp chương trình học các môn văn hóa nên bỏ học giữa chừng để xin thẳng vào một cơ sở làm nghề luôn với suy nghĩ “nghề dạy nghề”, các em không thấy lợi ích cần thiết của kiến thức văn hóa.

Năm 2019, đến thời điểm này, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã tuyển được hơn 500 HSSV; còn Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tuyển được 800 HSSV. Đây có thể xem là tín hiệu vui đối với các trường, song để bảo toàn được con số này đến khi tốt nghiệp là không dễ.

Nỗ lực ngăn học sinh bỏ học

Em Huỳnh Tấn Vinh đang học ngành Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên chia sẻ: Học lực em trung bình nên sau khi tốt nghiệp THCS, em chọn học nghề. Việc học khá thoải mái nhưng đối với em, khó nhất là phải học thêm những môn văn hóa vốn em đã rất ngán. Nhiều lúc em rất đuối nhưng thầy nói phải hoàn thành các môn văn hóa thì sau này tốt nghiệp mới có thể liên thông lên cao đẳng nên em phải cố gắng.

Những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường, chọn ngành nghề của học sinh THCS, THPT. Với phương châm đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế nên ngay từ đầu khi tư vấn chọn ngành nghề, các trường đều định hướng cho HS chọn những ngành nghề trọng điểm đáp ứng được 3 yếu tố: năng lực và sở thích bản thân, kinh tế gia đình, nhu cầu xã hội.

“Tuyển sinh được đã khó, việc giữ người học còn khó hơn. Xác định được điều này nên nhà trường tập trung nâng cao nhận thức cho người học. Trường thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng ở các doanh nghiệp cũng như áp dụng cơ chế chương trình học ngày càng thoáng hơn, đưa HSSV xuống thực hành tại doanh nghiệp để các em tiếp xúc với công việc. Nhờ đó khơi gợi trong HSSV niềm đam mê học tập và gắn bó với nghề khi đang học”, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho biết.

Để giữ chân HSSV, bên cạnh việc rà soát, bổ sung, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ người học, đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên còn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng. Đặc biệt là đáp ứng tuyển sinh đào tạo các nghề trọng điểm ASEAN và quốc tế.

Khẳng định niềm tin của xã hội, của người học đối với một trường nghề là vô cùng quan trọng, quyết định tỉ lệ “rơi rụng” của người học. Để xây dựng niềm tin, các trường cao đẳng, dạy nghề cần tổ chức hướng nghề, hướng nghiệp song song với đổi mới chất lượng đào tạo.

“Các trường cao đẳng, dạy nghề cần xác định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống giáo dục là đào tạo nghề, cung cấp nhân lực là những người thợ lành nghề cho xã hội. Không chỉ là đào tạo nghề cho HSSV, người dạy còn phải truyền cảm hứng, đam mê nghề nghiệp để người học tự tin hơn trong việc học nghề, góp phần giảm thiểu tỉ lệ người học chọn sai ngành, bỏ học, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch phát triển chung của các trường”, ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH nhấn mạnh.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/229524/dao-tao-nghe--tuyen-da-kho-giu-cang-kho-hon.html