Đào tạo nhân lực du lịch chưa đáp ứng thực tế

Cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm tốt nghiệp ra trường khoảng 20.000 sinh viên, học viên.

Nhiều giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề xuất tại hội thảo quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay”, diễn ra chiều 12-4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024.

Hội thảo khoa học quốc tế về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế. Ảnh: Hoàng Quyên.

Hội thảo khoa học quốc tế về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế. Ảnh: Hoàng Quyên.

Chất lượng nhân lực bị cạnh tranh

Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có sự hao hụt về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi du lịch từng bước phục hồi với sự tăng trưởng trở lại của lượng khách nội địa và quốc tế, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực luôn được đặt ra cấp bách.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, so với các nước trong khu vực, lao động Việt Nam được đánh giá chăm chỉ, thông minh, tích cực học hỏi. Tuy nhiên, so với các nước, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh.

Ông Thủy cho rằng, việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cao cấp, mà chủ yếu hành nghề cơ bản. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của đơn vị.

Theo Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, đến nay, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm tốt nghiệp ra trường khoảng 20.000 sinh viên, học viên, trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp.

Đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam Đào Mạnh Hùng cho rằng, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia.

“Lao động ngành Du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước trong ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia...”, ông Hùng nhận định.

Du lịch Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Quyên

Du lịch Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Quyên

Phân tích những yếu điểm trong khâu đào tạo nguồn nhân lực du lịch, PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho biết, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành Du lịch.

“Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn!”, ông Thắng chia sẻ.

Xây dựng tiêu chí nhân lực chuẩn quốc tế

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nêu vấn đề cần phải có những chuẩn mực riêng trong đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế để các cơ sở đào tạo có định hướng xây dựng phương thức đào tạo phù hợp.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn gặp nhiều bất cập. Ảnh: Trường Cao đẳng Sài Gòn.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn gặp nhiều bất cập. Ảnh: Trường Cao đẳng Sài Gòn.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là: Thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Long gợi ý, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu.

“Không thể 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm đúng nghề, mà chỉ có khoảng 20-25% gắn với nghề, còn lại vẫn chuyển công việc khác. Phải có những nhân sự thật sự yêu nghề thì mới nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý định hướng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cụ thể, để các trường xây dựng mô hình đào tạo đạt chất lượng”, PGS.TS Phạm Hồng Long nêu ý kiến.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, nguyên cán bộ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, cần cơ cấu lại mạng lưới phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là cơ sở giáo dục du lịch; đa dạng hóa các cơ sở phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Ngành Du lịch Việt Nam đang đặt ra nhiều yêu cầu cao trong phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế nhiều hơn trong thời gian tới, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hơn lúc nào hết, đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế là vấn đề cấp bách, quan trọng cần phải được quan tâm ngay từ đầu vào.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dao-tao-nhan-luc-du-lich-chua-dap-ung-thuc-te-663488.html