Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: Phối hợp tốt cơ chế ba bên
Từ năm 2025, các trường đại học (ĐH) tại TPHCM bắt đầu tuyển sinh và đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành: Công nghệ thông tin - Truyền thông, Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo (AI); Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch và Quản lý đô thị cho TPHCM. Đây là chương trình đào tạo đặc biệt được UBND TPHCM 'đặt hàng' các trường ĐH, nhằm góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao cho thành phố.
Đào tạo theo chuẩn quốc tế
Theo GS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), đơn vị chủ trì đào tạo ngành Quản lý đô thị, chương trình đào tạo được triển khai với 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có cách thức tuyển sinh và cơ chế học phí khác nhau. Trong giai đoạn thí điểm, chương trình tuyển chọn 20-25 sinh viên có năng lực tốt từ các khóa hiện có của ngành Đô thị học (sinh viên năm thứ 3) để đào tạo chuyên ngành Quản lý đô thị.
Khi chương trình được triển khai từ năm 2025, sẽ tuyển sinh theo hình thức chính quy, với chỉ tiêu dự kiến 40-60 sinh viên mỗi năm trong giai đoạn đầu và tăng dần, đạt 120 sinh viên vào năm thứ 4. Với cơ chế tuyển sinh linh hoạt, chương trình không chỉ đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế.
Với chương trình đào tạo ngành AI, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đề xuất các chuẩn đầu ra, và khung chương trình đào tạo được tham khảo các chương trình đào tạo AI, khoa học dữ liệu của các trường ĐH khu vực, thế giới.
Theo đó, chương trình định hướng đầu ra là nhân lực có trình độ quốc tế, có kiến thức và kỹ năng cao về các lĩnh vực liên quan đến AI, có kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng cần thiết khác để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp quốc tế. Do vậy, tăng cường đào tạo kỹ năng tiếng Anh, giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế là đặc điểm cơ bản của chương trình.
Trong khi đó, những chương trình như Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin - Truyền thông, Cơ khí tự động hóa… được các trường xây dựng với mục tiêu tổng quát là nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, xây dựng các kỹ năng thiết yếu và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp để giúp sinh viên đáp ứng các yêu cầu việc làm có tính quốc tế, hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn quốc tế, chú trọng trình độ ngoại ngữ, có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong suốt quá trình học cũng như thực hành, thực tập…
Không lo về đầu ra
Nói về lợi ích khi theo học chương trình của trường, GS Ngô Thị Phương Lan cho biết, sinh viên tốt nghiệp chương trình Quản lý Đô thị trình độ quốc tế được trang bị kiến thức chuyên sâu về quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, quản lý môi trường, kinh tế đô thị, giao thông đô thị và các chính sách phát triển bền vững...
Với những kiến thức và kỹ năng toàn diện, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại các cơ quan sự nghiệp công lập của TPHCM, gồm các sở, ban, ngành liên quan đến quản lý đô thị, như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị. Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể ứng tuyển vào các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng đô thị và tư vấn quy hoạch, hoặc tham gia vào các tổ chức phi chính phủ và quốc tế hoạt động trong quản lý đô thị, phát triển bền vững.
GS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), chia sẻ, theo chuẩn đầu ra của chương trình được UBND TPHCM phê duyệt, người học sau khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc có thể được doanh nghiệp trả lương ngay khi đi thực tập. Việc người học tìm được việc làm chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của chương trình.
Sự thành công của chương trình đào tạo nhân lực quốc tế ngành AI sẽ là cơ sở để TPHCM thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình nghiên cứu - phát triển ứng dụng AI và mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
GS Sử Đình Thành, Giám đốc ĐH Kinh tế TPHCM, nhấn mạnh, để chương trình được triển khai hiệu quả, bên cạnh vai trò của nhà trường, UBND TPHCM đặc biệt chú trọng sự đồng hành của các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong suốt quá trình đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể “đặt hàng” đào tạo, tài trợ học bổng, tham gia đánh giá chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo, đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo.
Chương trình góp phần chuẩn bị nhân lực cho việc xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM. Do đó, khi theo học chương trình, sinh viên có nhiều thuận lợi trong tìm kiếm công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị, trong quá trình thực hiện, nên phối hợp tốt cơ chế ba bên (chính quyền - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp) để chất lượng đào tạo đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra. Đặc biệt, chương trình đào tạo cần hướng đến chuẩn quốc tế, gắn chặt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Thông qua giai đoạn thí điểm đào tạo, các đơn vị nên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, để từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, nội dung cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện các đề án giai đoạn 2025-2035.