Đào tạo nhân sự – nhìn từ các sàn TMĐT
Các sàn thương mại điện tử lớn đang ráo riết với kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho những chặng đường mới ở kỷ nguyên công nghệ 4.0. Ngoài việc phối hợp với các trường đại học, các công ty này còn nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tự đào tạo lực lượng nhân sự mới và tập trung cải thiện những lỗ hổng kỹ năng cho nhân sự hiện có.
(SGTT) – Các sàn thương mại điện tử lớn đang ráo riết với kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho những chặng đường mới ở kỷ nguyên công nghệ 4.0. Ngoài việc phối hợp với các trường đại học, các công ty này còn nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tự đào tạo lực lượng nhân sự mới và tập trung cải thiện những lỗ hổng kỹ năng cho nhân sự hiện có.
Nhu cầu rất lớn, nhiều thách thức là những cụm từ được các nhà quản lý các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam liên tục nhắc đến khi họ đề cập đến chuyện tuyển dụng nhân sự cho công ty. Điều này có thể hiểu được khi mà tốc độ tăng trưởng của ngành TMĐT hằng năm vượt hơn 30% (theo bản báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam vừa công bố trong tháng 9 này) và là một trong những ngành thu hút nhân lực nhất và được nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm tài năng.
Những sàn TMĐT luôn tìm kiếm người, trong khi nhiều doanh nghiệp mở trang web hoặc cải tiến trang web theo hướng kinh doanh TMĐT – họ cũng cần người chuyên trách. Điểm lại các nguồn cung ứng, các trường có đào tạo nhân sự cho ngành này chưa đáp ứng nỗi về số lượng người cũng như kỹ năng thiết thực. Trước tình trạng thiếu nguồn nhân lực như vậy, các sàn TMĐT đã có những bước ứng phó cụ thể, nhưng tựu trung vẫn là “giải quyết cái khó trước mắt”.
Tự đào tạo, tự nâng cấp nguồn nhân sự
Bà Tracy Đỗ, Giám đốc Nhân sự Shopee Việt Nam, cho hay công ty từ vài chục nhân viên vào những ngày đầu thành lập vào năm 2016, đến nay đã phát triển mạnh với lực lượng nhân sự 800 người làm việc ở cả Hà Nội và TPHCM. Shopee vẫn duy trì chính sách tuyển dụng nhân sự linh hoạt từ nhiều nguồn và đã xây dựng kế hoạch tuyển đào tạo mới từ nhiều năm nay.
Shopee – tuyển đào tạo mới nhiều cấp độ. Với cấp nhà quản lý, Shopee có tổ chức chương trình nhà lãnh đạo toàn cầu dành cho các ứng cử quản trị viên tập sự hằng năm với tên gọi Global Leaders Program. Chương trình này kéo dài hai năm, trong đó có sáu tháng làm việc ở Singapore và các ứng viên được luân chuyển làm việc qua bốn phòng ban. Global Leaders Program sẽ kết thúc sau mỗi hai năm cùng với bảng đánh giá kết quả để chọn lọc các ứng cử viên ưu tú vào đội ngũ các nhà lãnh đạo kế thừa của Shopee.
Với nguồn nhân sự chung, Shopee đào tạo nhân viên mới và tổ chức các khóa rèn kỹ năng mới để giúp nâng cao khả năng cho nguồn lực hiện có. Theo đó, các “tân binh” sẽ được tham gia một ngày đào tạo định hướng. Sau đó trong suốt quá trình thử việc, các nhân viên này sẽ tham gia các lớp đào tạo cả về kỹ năng mềm lẫn nâng cao kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, sinh viên các khối hoặc ngành học có liên quan đến TMĐT vẫn có thể ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh ở các công ty TMĐT. Cụ thể, chương trình thực tập sinh ba tháng tại Shopee, cho phép sinh viên đăng ký thực tập vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Sau ba tháng thực tập các bạn có cơ hội được đánh giá để trở thành nhân viên chính thức của công ty sau khi tốt nghiệp ở trường.
Lazada – chú trọng đào tạo chuyên môn. Ông Phan Hữu Trực, Giám đốc Nhân sự Lazada Việt Nam, cho rằng việc tuyển dụng người lao động có kinh nghiệm về TMĐT hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân sự cấp cao liên quan đến TMĐT.
Lazada chú trọng các chương trình đào tạo chuyên môn TMĐT cho đội ngũ nhân sự trẻ. Nội dung cụ thể gồm cập nhật xu hướng chuyển giao hoặc gia tăng TMĐT từ các kênh bán hàng truyền thống; Chuỗi giá trị cung ứng trên sàn điện tử, từ các nhà bán hàng đến người mua hàng; Ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử; Và xử lý và ứng dụng dữ liệu trong mại điện tử. Những nội dung nói trên được đào tạo theo yêu cầu công việc và năng lực của nhân viên và được tổ chức thường xuyên theo tháng, quý và tại thời điểm triển khai dự án mới. Ngoài ra, tại Lazada cũng có các khóa kỹ năng mềm được tổ chức thường xuyên để giúp cho các “tân binh” có thể làm việc tốt hơn trong một môi trường năng động như Lazada.
Tiki – luân chuyển nhân sự để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. Hiện tại, Tiki đang triển khai quy trình đào tạo dành cho các nhân sự mới giúp họ làm quen với môi trường làm việc và hiểu thêm về tính chất công việc tại Tiki. Khác với các sàn hiện nay, Tiki giúp các nhân sự phát triển nhiều mảng kỹ năng đa dạng bằng cách tạo cơ hội để họ luân chuyển qua nhiều phòng ban khác nhau. Từ đó, nhân sự có thể học hỏi và phát triển toàn diện hơn trong ngành TMĐT.
“Chúng tôi tin rằng việc đào tạo trực tiếp trong quá trình làm việc sẽ hiệu quả hơn so với việc mở các lớp đào tạo riêng. Dự kiến vào năm 2020, Tiki sẽ có một bộ phận chuyên đào tạo nhân sự, tập trung tối đa cải thiện những lỗ hổng kỹ năng khi làm việc.
Trong thời gian tới, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ càng hội nhập với thế giới, vì thế Tiki sẽ triển khai một số khóa học nâng cao tiếng Anh cho các nhân sự trong công ty. Dự kiến, các khóa học này sẽ bắt đầu từ năm 2020”, bà Sakshi Jawa, Tổng giám đốc Nhân sự của Tiki.vn, khẳng định.
Phối hợp đào tạo
Ngoài phương án tự đào tạo, các sàn TMĐT đều đã có kế hoạch song song về nhân sự, đó là phối hợp với các trường đại học, trung tâm đào tạo nhân sự…
Hiện tại, Lazada Việt Nam đang hợp tác với những trường đại học như RMIT, Đại học Ngoại thương (cơ sở 2) hay Đại học Kinh tế trong các chương trình tuyển dụng quản trị viên tập sự hay trong các chương trình thực tập tại Lazada. Công ty cũng đang có kế hoạch hợp tác với các trường đại học có chương trình đào tạo về thương mại hoặc TMĐT để tạo thêm nguồn nhân lực tương lai cho công ty. Một ví dụ cụ thể là Lazada đã kết hợp cùng Trường Đại học RMIT cho khóa học Digital Marketing Communication (Tiếp thị Truyền thông trực tuyến) dành cho sinh viên ngành thương mại.
Còn bà Tracey Đỗ của Shopee, nhận định rằng Việt Nam đang có khá nhiều trường đại học có chuyên ngành TMĐT hoặc môn học về TMĐT, tuy nhiên tài liệu giảng dạy hầu như do các trường tự biên soạn từ nhiều nguồn khác nhau. Bà Tracey Đỗ cho rằng, các trường này hoàn toàn có thể liên hệ với các công ty TMĐT để được chia sẻ, cập nhật những kiến thức mới nhất về TMĐT. Cũng nhìn nhận những điểm hạn chế trong việc đào tạo của các trường, Tiki cho biết trong năm tới sẽ cùng các trường triển khai chương trình Management Trainee (quản trị viên tập sự) để giúp các bạn sinh viên có cơ hội thể hiện tài năng và trải nghiệm làm việc trong ngành TMĐT. Đồng hành cùng việc đào tạo và phát triển kỹ năng TMĐT cho các bạn trẻ, các nhà lãnh đạo cấp cao tại Tiki sẽ dành thời gian để tham gia những buổi hội thảo chuyên sâu, chia sẻ những kiến thức và kỹ năng sau nhiều năm làm việc tại nước ngoài, lắng nghe và giải đáp những băn khoăn cho những bạn trẻ mới vào ngành.
Bà Sakshi Jawa của Tiki cho rằng, các trường đại học cần giúp sinh viên chuẩn bị kiến thức nền vững chắc về TMĐT, công nghệ thông tin. Đồng thời, tạo cơ hội để các bạn hiểu thêm về đặc thù khi làm việc tại công ty TMĐT bằng việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, mô phỏng quá trình phỏng vấn và làm việc thực tế tại các lớp học… Từ đó, sinh viên có thể thích ứng với sự linh hoạt và thể hiện bản thân tối đa trước các thay đổi liên tục trong ngành.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), bên cạnh giải pháp đào tạo ngắn hạn, đào tạo bổ sung (từ doanh nghiệp TMĐT), cần tăng cường hoạt động đào tạo dài hạn tại các trường đại học có khoa đào tạo chuyên ngành TMĐT. Đây sẽ là giải pháp căn cơ để cung ứng nguồn nhân lượng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực TMĐT… cho các doanh nghiệp TMĐT.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/dao-tao-nhan-su-nhin-tu-cac-san-tmdt/