Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây cũng là một trong những vấn đề cấp bách đặt ra trong xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Bình Thuận một cách bền vững.
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ khách quốc tế
Thực tế hiện nay cho thấy, du khách nước ngoài đến với Bình Thuận ngày càng nhiều, nếu như trước đây thị trường khách quốc tế đến Bình Thuận chủ yếu là Nga, Ukraine thì nay đã có nhiều thay đổi. Du khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Hoa Kỳ… chiếm tỷ trọng lớn. Để thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế, ngành du lịch Bình Thuận đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng các sản phẩm, loại hình thế mạnh như nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch chăm sóc sức khỏe… Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong hoạt động du lịch, tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch, duy trì, vận hành và cập nhật dữ liệu trên cổng thông tin du lịch thông minh. Nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ du khách quốc tế. Đặc biệt là năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính dẫn tới nhiều lao động trong ngành đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc mới. Đến nay, tình hình cho thấy đang phục hồi nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao trong thời gian gần đây. Hiện nay có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu hụt nhân lực lao động, nhân sự đa số rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Thiếu nguồn nhân lực như vậy thì nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ du khách quốc tế càng thiếu trầm trọng. Trong khi đó trình độ người lao động tại các cơ sở du lịch hiện nay chỉ ở mức trung bình. Lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chỉ chiếm 25%, trung cấp 18%, sơ cấp 14%, chứng chỉ nghề 14%, bồi dưỡng ngắn ngày 29%. Đặc biệt là lao động ngành du lịch thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế nhưng còn hạn chế rất nhiều về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ. Không chỉ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao mà đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, lao động phục vụ thường xuyên tại các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt ở các nhóm ngành như lao động quản lý cấp cao và trưởng các bộ phận, bếp, nhân viên phục vụ buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch cũng thiếu.
Đào tạo để nâng cao nguồn nhân lực
Nhân lực thiếu hụt như vậy trong khi đó trên địa bàn tỉnh có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động, tổ chức đào tạo các ngành nghề phục vụ phát triển du lịch chủ yếu là đào tạo nghề thuộc lĩnh vực du lịch, đào tạo phục vụ du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khu resort, pha chế thức uống, bếp chuyên nghiệp, kỹ thuật chế biến bánh Âu... Thực tế hiện nay, mỗi năm Bình Thuận đón một lượng lớn du khách quốc tế. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đón 312.800 lượt khách quốc tế, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023. Thời điểm này Bình Thuận đang bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế, năm nay lượng khách quốc tế được kỳ vọng sẽ khôi phục mạnh mẽ và tăng cao nên cần có chuẩn mực riêng trong đào tạo nhân lực du lịch để phục vụ du khách quốc tế. Nhân lực không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm đầu tư đó là yếu tố con người. Nhưng thực tế hiện nay thì tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, tỷ lệ không biết ngoại ngữ còn cao. Nhân lực ngành du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Để đạt được yêu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng lao động của ngành du lịch đòi hỏi nguồn nhân lực phải qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ lao động du lịch được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt là có năng lực ngoại ngữ, tin học đảm bảo yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể. Phải tạo dựng cho đội ngũ trực tiếp trong ngành du lịch một tinh thần tận tụy với công việc, chu đáo góp phần thỏa mãn nhu cầu của du khách một cách tốt nhất trong khả năng cho phép, tạo được ấn tượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Về chất lượng đào tạo phải đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo du lịch và người lao động đã qua các đào tạo hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác tìm được việc làm trong ngành du lịch đúng với chuyên ngành đào tạo, được cơ sở sử dụng lao động thừa nhận và cuối cùng là phải đáp ứng được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của vị trí công việc, đồng thời cơ cấu lao động phải đảm bảo hợp lý giữa các trình độ đào tạo, giữa các loại công việc…