Đào tạo vị trí thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân
Hiện nay, số lượng tàu biển của ngư dân trong tỉnh có chiều dài từ 15 m trở lên đánh bắt xa bờ được phát triển ngày càng nhiều. Các tàu được đầu tư thiết bị hiện đại nên đòi hỏi ngư dân vận hành phải có trình độ mới phát huy hết hiệu quả. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh quan tâm mở nhiều lớp đào tạo nghề cho ngư dân, trong đó tập trung vào đào tạo vị trí thuyền trưởng và máy trưởng.
Tỉnh Quảng Trị có hơn 2.300 tàu cá, trong đó có hơn 200 tàu cá khai thác xa bờ có công suất lớn. Tuy nhiên, đa số ngư dân chưa được đào tạo nghề, đào tạo các vị trí quan trọng trên tàu hoặc đào tạo chưa chuyên sâu; hành nghề theo kiểu cha truyền con nối bằng kinh nghiệm biển khơi. Trước thực tế đòi hỏi cần hiện đại hóa nghề khai thác biển thì vấn đề đào tạo, nâng cao tay nghề cho ngư dân luôn cấp thiết.
Anh Hoàng Hải ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ của tàu cá có công suất hơn 750 CV, dài 24 m, vừa tham gia lớp đào tạo vị trí thuyền trưởng. Thời gian khóa học là 20 ngày, trong đó có 15 ngày học lý thuyết, 5 ngày học thực hành. Khóa học rất hiệu quả, trang bị cho ngư dân nhiều kỹ năng mà trước đây chưa được biết. Học xong anh được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, đủ năng lực, điều kiện để điều hành tàu cá khai thác xa bờ.
Anh Hải chia sẻ, thời gian chủ yếu của ngư dân là gắn bó với con tàu. Là thuyền trưởng, khi tàu rời cảng cũng là lúc có bao nhiêu khó khăn đặt ra trong quá trình tàu vận hành lênh đênh trên biển. Có cả những nguy hiểm đến tính mạng của thuyền viên và con tàu, tài sản lớn của ngư dân. Mọi quyết định của thuyền trưởng khi ở trên biển đều là mệnh lệnh sống còn. Chỉ một quyết định không chuẩn xác, kịp thời có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy, những ai chưa học nghề bài bản cần sắp xếp thời gian để được đào tạo, giúp bổ sung thêm kiến thức chuyên môn trước mỗi chuyến tàu ra khơi.
Trên mỗi chiếc tàu lớn, ngoài thuyền trưởng, vị trí máy trưởng vô cùng quan trọng. Anh Lê Văn Viện ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, người được tham gia lớp đào tạo vị trí máy trưởng cho biết, đi biển nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thì trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, tàu thuyền hỏng hóc máy không thể tự xử lý, sửa chữa được.
Cùng với việc Nhà nước cho ngư dân vay tiền đầu tư tàu lớn khai thác biển thì việc đào tạo nghề cho lao động biển là hết sức cần thiết. Lớp học vị trí máy trưởng cung cấp cho anh Viện thêm nhiều kiến thức chuyên sâu, thiết thực.
Anh Viện kể, nếu như trước đây tàu đang hoạt động trên biển bất ngờ bị hỏng xéc măng thì anh không thể tự sửa chữa được và tàu phải dừng lại trên biển chờ thợ đến sửa chữa mới tiếp tục hành trình, điều này rất nguy hiểm cho tính mạng ngư dân và tài sản.
Nhờ được đào tạo lớp máy trưởng nên anh hiểu sâu hơn về những bộ phận cấu tạo của máy tàu, bộ phận nào đang sử dụng được, chi tiết nào sắp hỏng, đặc biệt là tự mình sửa chữa được những hư hỏng của máy tàu nên vững tin hơn trong mỗi chuyến đi biển dài ngày. Anh Viện đã được cấp chứng chỉ máy trưởng tàu cá, hiện anh đang là máy trưởng của tàu đánh bắt xa bờ có công suất hơn 400CV.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng cho biết, thời gian qua chi cục phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa mở các lớp đào tạo vị trí thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng đều rất cần được đào tạo, tập huấn chuyên sâu để tự tin vượt sóng vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác thủy, hải sản. Lớp học có 78 học viên là ngư dân được trang bị kiến thức, kỹ năng lý thuyết và thực hành cơ bản khai thác trên biển; xử lý khi có sự cố xảy ra, trong đó địa phương có số lượng học viên đông nhất là thị trấn Cửa Việt với 28 người.
Về nghiệp vụ thuyền trưởng, các học viên học kỹ năng điều động tàu; trang thiết bị về hàng hải, thông tin liên lạc; hệ thống và thiết bị giám sát tàu cá; tác nghiệp hải đồ; hàng hải địa văn, khí tượng hải dương; an toàn hàng hải, an toàn tàu cá.
Với nghiệp vụ máy trưởng, các học viên học: bảo dưỡng, sửa chữa máy chính; máy phụ, hệ thống truyền lực, các hệ thống phục vụ, đảm bảo an toàn tàu cá; các thiết bị khai thác chủ yếu; an toàn vận hành máy tàu cá; quy trình vận hành máy tàu cá.
Hệ thống điện, đèn, điện lạnh tàu cá. Cùng với học lý thuyết, các học viên được thực hành tại tàu, điều khiển tàu cá ra vào cửa, tiến, lùi, điều động tàu cá, điều khiển các thiết bị máy móc, thông tin liên lạc.
Theo ông Phan Hữu Thặng, hiện các tàu đánh bắt xa bờ đóng mới được đầu tư thiết bị hiện đại nên đòi hỏi ngư dân vận hành phải có trình độ tương thích mới phát huy hết hiệu quả. Do vậy, việc đào tạo nghề cho lao động biển, các vị trí quan trọng trên tàu là công việc hết sức quan trọng. Sắp đến, chi cục tiếp tục phối hợp với các trường để đào tạo nghề khai thác biển cho ngư dân nhằm nâng số lượng người được đào tạo ngày càng cao hơn, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nghề khai thác biển.
Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho các ngư dân đang gặp nhiều khăn, thách thức. Ngư dân có độ tuổi trước 40 hiện không mặn mà với nghề biển, họ chọn xuất khẩu lao động là hướng việc làm chính. Số lao động làm nghề khai thác biển thường có độ tuổi ngoài 40 muốn được đào tạo để nâng cao tay nghề thì gặp nhiều khó khăn về thời gian, thu nhập.
Vì vậy, để giải bài toán nâng cao chất lượng nhân lực cho nghề khai thác biển, trước hết cần sự quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa của Nhà nước và sự liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng dạy nghề để ngày có nhiều hơn ngư dân được đào tạo nâng cao tay nghề.
Điều này giúp cho lao động làm nghề khai thác biển thay dần tư duy làm lâu thành quen sang tư duy khoa học, chính xác để bảo đảm cho tàu cá hoạt động hiệu quả và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo.