Đào trộm mộ Từ hy thái hậu hé lộ bí mật kinh hoàng
Tôn Điện Anh cả gan đào trộm mộ Từ Hy thái hậu khiến cho Quốc dân Đảng và Phổ Nghi hoàng đế tức giận. Nhưng cuộc đào mộ cũng đã tiết lộ.
Trong thời kỳ hiện đại, nổi tiếng nhất là vụ đào lăng mộ
Từ Hy thái hậu với quy mô chưa từng có, do tướng quân phiệt Tôn Điện Anh cầm đầu.
Ngay từ khi sinh thời, Từ Hy Thái Hậu đã nổi tiếng là người sành ngọc, trang sức của bà trên người cũng phong phú và lắm bí ẩn như cuộc đời của bà. Đức Từ Hy là người rất yêu thích các loại đồ vàng ngọc, trân châu, mã não, ngọc phỉ thúy... cho nên trước khi biết mình khó có thể cãi lại mệnh trời, bà đã lên kế hoạch đem vào quan tài của mình những thứ trang sức quý giá nhất để nếu có xuống âm phủ thì bà cũng có tiền của... để chi tiêu dần dần. Trong tài liệu lịch sử mà giới sử gia uy tín của Trung Quốc hiện còn lưu giữ được vẫn còn ghi chi tiết "kho báu" đã an táng theo Từ Hy Thái Hậu từ năm 1908.
Lăng mộ của Từ Hy Thái hậu qua 13 năm xây dựng với hao phí lên tới hàng triệu vạn lượng bạc, được xưng là "Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt". Riêng số vàng lá dùng đắp trong ba đại điện của Từ lăng đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64 chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật. Những rường cột trong đại điện đều làm bằng loại gỗ thượng phẩm: gỗ lê hoa vàng. Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà đẹp, giá có thể nói là "tấc gỗ, tấc vàng". Riêng quan tài của Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng.
Tất cả đá dùng trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Phù điêu trên Hán bạch ngọc trong điện Long Ân đều theo đồ hình "Long truy phụng" - phụng hoàng bay trước, rồng đuổi theo sau, 76 trụ trong điện đều chạm hình "Nhất phụng áp song long" - hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị thái hậu này.
Ngày 4/7/1928, thuộc hạ của Tôn Điện Anh là Đàm Ôn Giang và Hàn Đại Bảo đưa công binh đến khai quật lăng mộ của Từ Hy Thái hậu, được gọi là Phổ Đà Dụ Định Đông lăng.
Nhưng đoàn công binh chia nhau đi đào bới các chỗ suốt 2 ngày 2 đêm vẫn không tìm thấy cửa dẫn xuống địa cung. Tôn Điện Anh nóng ruột cho đi bắt 6 người vốn từng là kỳ binh coi sóc Đông lăng đến hỏi, nhưng họ đều nói không biết cửa lăng. Tôn tức giận cho tra khảo đến chết 2 người. Sau cùng mới có thông tin là có 1 người thợ đá họ Khương ở cách đó 10km từng tham gia xây lăng an táng Từ Hy, Tôn Điện Anh lập tức cho quân đến mời. Lúc đầu ông Khương không dám nói vì đó là trọng tội, nhưng Tôn Điện Anh làm áp lực, nếu không chỉ ra sẽ giết chết đứa con trai độc đinh nên ông Khương đành tuân lệnh.
Báu vật quý giá trong lăng mộ Từ Hy thái hậu
1. Trân bảo Dạ Minh Châu
2. Phỉ thúy dưa hấu
3. Bạng Phật (Phật ngọc trai)
4. Thúy ngọc cải trắng
5. Hoa sen ngọc thạch
6. Cây san hô
7. Ngó sen ngọc
8. Chăn kinh được dệt từ sợi vàng
9. Mũ phượng
10. Linh lung bảo tháp
Sạch sành sanh vét…
Sau khi dọn sạch châu báu vàng ngọc xung quanh quan tài Từ Hy và đồ tùy táng trong "giếng phong thủy", binh lính của Tôn Điện Anh dùng búa nạy tung quan tài Từ Hy ra và hốt sạch sẽ số châu báu lót bên trong. Trong "Thế Tải Đường tạp ức" của một sĩ quan tham gia vụ phá mộ này thì: "Lúc ấy, nắp quan tài mở ra, ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc đèn pin lao tới đều đứng sững kinh ngạc.
Tương truyền khi nắp quan tài bật mở, những tên trộm mộ hết sức kinh hãi khi nhìn thấy dung nhan xinh đẹp như người đang sống của Từ Hy Thái Hậu, có vẻ như bà đang say ngủ, chứ không phải là đã chết. Nhưng lạ thay khi cạy viên dạ minh châu trong miệng Từ Hy ra, thì qua vài giờ đồng hồ, da thịt xác chết trở nên biến dạng, để qua vài ngày thì khô quắt như xác chết lâu ngày.
Châu báu đầy trong quan tài, cấp bậc lớn thì lấy thứ lớn, quân lính thì lấy thứ nhỏ. Trưởng quan chỉ huy hạ lệnh lột phụng bào, lấy sạch châu báu trên đó…".
Tương truyền, khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng trong đêm từ ngoài 100 bước; trên cổ đeo 3 xâu chuỗi, trong đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch; mình mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc.
Ngoài ra, bên cạnh thi hài còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật bằng vàng, ngọc; các đồ bằng san hô, đá quý các loại. Nghe nói sau khi bỏ đồ bồi táng xong, thấy quan tài vẫn còn chỗ hở, các quan phụng táng lại đổ thêm vào 4 hộp trân châu và 2.200 miếng hồng thạch, lam thạch, lục thạch. Riêng số châu báu "lấp chỗ trống" này đã đáng giá 2,23 triệu lượng bạc trắng.
Tu bổ lại di hài của Từ Hy Thái Hậu
Vào năm 1983, chính phủ Trung Quốc thành lập một tổ công tác gồm 13 người, nhiệm vụ chính của họ là tu bổ lại di hài cũng như khu lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu.
Lần mở quan tài này cũng giống như lần đầu tiên, sử gia Trung Quốc Ninh Ngọc Phúc, người đứng đầu tổ công tác, cho biết: "Lịch sử đã một lần nữa lặp lại, một sức mạnh vô hình, huyền bí nào đó đã xảy ra. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy một thứ ánh sáng chói lòa phát ra từ quan tài, hết thảy các nhà khoa học hiện diện tại đó đều tròn xoe mắt ngỡ ngàng. Thật kỳ lạ là di thể của Từ Hy Thái Hậu dù bị xâm phạm nặng nề nhưng vẫn còn nguyên vẹn, dù nước da không còn tươi nữa".
Trong đợt kiểm tra lần thứ 2, không còn nhìn thấy thứ ánh sáng chói lòa kỳ diệu như 2 lần trước đó nữa, mặc dù vậy, tổ công tác sau một hồi lần mò đã tìm thấy trong tay phải của Từ Hy có giấu một chiếc túi nhỏ, bên trong chiếc túi này, người ta tìm thấy 1 chiếc răng và 2 chiếc móng tay của bà.
Cuối cùng, mọi công tác "trang điểm" đã hoàn thành chỉ sau 1 ngày. Di thể cuối cùng của Từ Hy Thái Hậu được đưa liệm trở lại vào quan tài có chiều cao 1m60, tất cả các trang sức quý như áo choàng vàng, trân châu... lấy lại từ vụ xâm hại lăng mộ vào năm 1928 vẫn để y nguyên trong khu lăng tẩm, nơi an giấc ngàn thu của vị Thái hậu quyền lực tột đỉnh trong lịch sử Trung Hoa.