Đạo văn trong luận án Tiến sĩ – cần xử lý nghiêm để bảo vệ liêm chính học thuật
Trong khi những lùm xùm xung quanh câu chuyện đạo văn của bà Vũ Thị Sao Chi (Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Ngôn ngữ - Viện Ngôn ngữ học) vẫn đang tiếp tục gây xôn xao dư luận trong suốt những tháng qua thì vẫn chưa thấy sự vào cuộc của cơ quan quản lý có trách nhiệm. Nhưng vụ việc vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi phát hiện bà Sao Chi thậm chí còn đạo văn ngay trong luận án tiến sĩ của mình.
Tà ý đạo văn rất rõ ràng
Bà Vũ Thị Sao Chi bảo vệ luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học năm 2008 với nhan đề “Nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh trên nền nhịp điệu thơ văn Việt Nam” tại Viện Ngôn ngữ học.
Để có đủ điều kiện bảo vệ luận án Tiến sĩ, bà Sao Chi đã cho công bố bài viết “Nhịp điệu và các loại hình nhịp điệu” (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 2008). Trớ trêu là, bài viết này có nhiều luận điểm nghiên cứu quan trọng được lấy từ luận văn cao học có nhan đề “Thơ văn xuôi và nhịp điệu thơ văn xuôi” của học viên Lê Thị Hồng Hạnh, được bảo vệ trước đó 4 năm (năm 2004) tại trường ĐHSP Hà Nội. Sau đó, những luận điểm này được bà Sao Chi đưa vào trong luận án (năm 2008) của mình.
Cụ thể, trong luận văn “Thơ văn xuôi và nhịp điệu thơ văn xuôi” của mình, bà Hồng Hạnh chia ra 2 loại nhịp, là nhịp lời và nhịp ý. Phát hiện về “nhịp ý” là phát hiện hết sức mới mẻ của bà Hồng Hạnh, vì như vậy bên cạnh nhịp hình thức (gọi chung là nhịp lời) còn có nhịp về nội dung (nhịp ý). Trong luận văn của bà Hồng Hạnh (hiện lưu trữ tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội, số hiệu V-LA/7720), từ trang 63 đến trang 66, bà Hồng Hạnh đưa ra khái niệm “nhịp ý” và nêu 3 biểu hiện của nhịp ý là:
1.Sự luân phiên, lặp lại ở cấp độ hình ảnh (mục 2.2.2.1)
2.Sự trùng điệp của ý tưởng (mục 2.2.2.2)
3.Phép lặp cú pháp, lặp hệ hình (mục 2.2.2.3)
Đây là kết quả nghiên cứu quan trọng và cơ bản trong luận văn của bà Hồng Hạnh. Thế mà trong bài báo được xem như điều kiện bắt buộc để được phép bảo vệ luận án Tiến sĩ, bà Sao Chi đã ngang nhiên lấy lại kết quả nghiên cứu này, phân chia nhịp thành hai loại: nhịp âm và nhịp ý. Sau đó, trong luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2008 (hiện lưu trữ tại thư viện Viện Ngôn ngữ học, số hiệu LA 180), bà Sao Chi đã lấy lại phát hiện về nhịp ý với những biểu hiện trên đây của bà Hồng Hạnh, với cải biến chút ít.
Cụ thể, bà Sao Chi cho rằng có hai biểu hiện về nhịp ý, đó là:
1) Sự lặp lại hình ảnh, những mô típ nghệ thuật (trang 31-33)
2) Sự láy lại của cấu tứ, ý tưởng, sự kiện, trạng thái, cảm xúc… (trang 33-36)
Như đã nói, bà Sao Chi đã dùng xảo thuật thay thế từ đồng nghĩa (thay “nhịp lời” bằng “nhịp âm”, trong đối lập với “nhịp ý”, thay thế “sự luân phiên” bằng “sự lặp lại”, thay thế “sự trùng điệp của ý tưởng” bằng “sự láy lại của cấu tứ, ý tưởng”…) để lấy cắp ý tưởng nghiên cứu rất quan trọng của bà Hồng Hạnh. Đọc luận án của bà Sao Chi, chúng tôi kinh hoàng phát hiện thủ thuật đạo văn có một không hai của bà, mà chúng tôi gọi là “lập lờ đánh lận con đen” trong việc tước đoạt phát hiện “nhịp ý” của bà Hồng Hạnh.
Cụ thể như sau: Ở trang 31 của luận án, khi lần đầu tiên nêu khái niệm “nhịp điệu ý”, bà Sao Chi viết: “Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đã chỉ ra một số biểu hiện của nhịp điệu ý: Trong kịch, đó có thể là sự luân chuyển giữa các cảnh bi và hài, đối thoại và độc thoại. Trong thơ trữ tình, đó có thể là sự luân phiên giữa các đoạn thơ tạo hình - hội họa và triết lí trừu tượng... Trong truyện ngắn và tiểu thuyết, đó có thể là sự luân chuyển giữa mạch kể và mạch tả, tương quan giữa thời gian kể và thời gian được kể, hoặc sự lặp lại các mô tip như sinh - tử, gặp gỡ - chia tay” [76, tr 201-202].
Viết như thế, người đọc có thể nghĩ rằng khái niệm “nhịp điệu ý” đã được các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi nêu ra trước đó, chứ không phải là thuật ngữ thể hiện phát hiện của bà Hồng Hạnh, tức bà Hồng Hạnh dùng lại khái niệm đã có trước mà thôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra lại mục “Nhịp điệu” trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Nxb Giáo dục in lần đầu 1992, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội in lại 1997, Nxb Giáo dục in lại 2009) chúng tôi thấy rằng các tác giả này không hề dùng khái niệm “nhịp điệu ý”. Điều này một lần nữa khẳng định phát hiện về nhịp ý là phát hiện rất quan trọng của Ths Hồng Hạnh.
Không dừng lại ở việc ý tưởng quan trọng về nhịp ý của bà Hồng Hạnh bị tước đoạt, còn có nhiều câu văn trong luận văn của bà Hồng Hạnh cũng bị bê nguyên một cách không thương tiếc vào trong luận án của bà Sao Chi. Một vài câu khác thì bị biên tập thay đổi một chút để đánh lừa người đọc. Chẳng hạn, ở trang 54, khi bàn về nhân tố tâm sinh lí chi phối nhịp điệu, bà Hồng Hạnh viết trong luận văn Thạc sĩ:
“Không chỉ yếu tố tuổi tác ảnh hưởng đến nhịp sinh học của con người mà cả yếu tố tâm lí cũng chi phối chúng ta rất mạnh. Theo Bùi Công Hùng, người lớn khi vui vẻ thở 17 nhịp trong một phút, khi buồn nản chỉ thở 9 nhịp trong một phút. Phải chăng vì thế, những bài thơ diễn tả tâm trạng náo nức, vui tươi thường có nhịp ngắn, gấp gáp, dồn dập; trái lại, những bài thơ diễn tả tâm trạng buồn nản lại thường gồm những nhịp dài miên man, dàn trải?”.
Trong luận án Tiến sĩ, ở trang 101, bà Sao Chi viết lại ý trên như sau:
“Và không chỉ yếu tố tuổi tác, sức lực mới tác động vào nhịp sinh học mà cả yếu tố tâm lí cũng ảnh hưởng rất mạnh đến nhịp thở của chúng ta. Theo kết quả khảo sát của Bùi Công Hùng, người lớn khi vui vẻ thở 17 nhịp trong một phút, còn khi buồn nản chỉ thở 9 nhịp trong một phút [96]. Điều này cũng cho ta những cơ sở để lí giải vì sao thơ văn khi diễn tả tâm trạng vui, phấn chấn thường có các nhịp ngắn, gấp gáp, dồn dập, ngược lại khi diễn tả tâm trạng buồn thương lại thường có các nhịp dài, miên man, dàn trải”.
Hoặc ở trang 55 của luận văn khi bàn đến yếu tố nội dung, ý nghĩa, hình tượng, cảm xúc như là các nhân tố chi phối nhịp điệu, bà Hồng Hạnh viết:
“Đối với các nhà thơ, sự tổ chức âm thanh vào hệ thống nhịp điệu không phải là sự sắp xếp một cách tự nhiên theo những liên kết có tính máy móc, tùy tiện. Nhịp điệu thơ không đơn thuần là sự phối hợp các yếu tố hình thức mà ở đây có vai trò quan trọng của cảm xúc. Nói như Xuân Diệu, cái cơn rung động về vần điệu. hình tượng âm thanh của nhà thơ cũng nằm chung trong sức rung mạnh mẽ của cảm hứng sáng tạo”.
Ý này của bà Hồng Hạnh được bà Sao Chi "thuổng" vào trang 103 của luận án Tiến sĩ như sau:
“Việc tổ chức âm thanh vào hệ thống nhịp điệu không phải là sự sắp xếp một cách ngẫu nhiên theo những liên kết có tính chất máy móc, tùy tiện; không đơn thuần là sự phối hợp các yếu tố hình thức mà ở đây còn có vai trò quan trọng của yếu tố nội dung, cảm xúc. Nói như Xuân Diệu “Cái cơn rung động về vần điệu, hình tượng âm thanh của nhà thơ cũng nằm chung trong sức rung động mạnh mẽ của cảm hứng sáng tạo” (dẫn theo Hà Minh Đức [63]).
Đây là những biểu hiện đạo văn giống hệt với cách làm trong nhiều công trình đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn, thầy hướng dẫn của bà Sao Chi mà báo chí đã nói rất nhiều trong hơn một năm qua.
Đến đây, có thể thấy một điều rõ ràng là luận điểm nghiên cứu quan trọng nhất của bà Hồng Hạnh (chia nhịp điệu thành 2 loại: nhịp lời và nhịp ý) đã bị bà Sao Chi bê vào và triển khai trong luận án tiến sĩ mà không hề dẫn nguồn. Tất nhiên, bà Sao Chi cũng đủ tỉnh táo để không đạo nguyên văn theo cách "truyền thống" mà người thầy hướng dẫn Nguyễn Đức Tồn vẫn thường xuyên làm. Bà Sao Chi tập trung vào việc đạo các ý tưởng khoa học của bà Hồng Hạnh, còn diễn giải và ví dụ minh họa thì đã được ngụy trang bằng lớp ngôn từ khác, tuy nhiên, như những trích đoạn trên đây đã chỉ ra, dấu vết câu chữ của bà Hồng Hạnh trong luận án của bà Sao Chi vẫn rất rõ.
Cần nhấn mạnh là bà Sao Chi và bà Hồng Hạnh cùng học cao học tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội và có cùng giáo viên hướng dẫn. Họ chỉ bảo vệ cao học cách nhau 1 năm (2003 và 2004). Do đó, không thể ngụy biện rằng bà Sao Chi khi viết luận án lại không biết đến luận văn của bà Hồng Hạnh hoặc bà Sao Chi vô tình có ý tưởng trùng với nghiên cứu trước đó của bà Hồng Hạnh!
Còn một chi tiết nữa cùng cần được nhấn mạnh: mặc dù đã lấy ý tưởng quan trọng nhất trong nghiên cứu đi trước của bà Hồng Hạnh (ý tưởng về “nhịp ý” trong đối lập với nhịp lời), nhưng trong luận án Tiến sĩ của mình, bà Sao Chi không hề đả động gì đến bà Hồng Hạnh. Thậm chí, ngay phần tài liệu tham khảo của luận án cũng không thấy bà Sao Chi nhắc gì (dẫn nguồn) đến luận văn cao học của bà Hồng Hạnh.
Như vậy, tà ý đạo văn của bà Sao Chi là rất rõ ràng!
Cần xử lý nghiêm để bảo vệ liêm chính học thuật
Thực chất, nhiều người trong ngành ngôn ngữ học đều biết rõ vụ việc đạo văn trong luận án Tiến sĩ này. PGS Hà Quang Năng cho biết: "Cô Hạnh cho tôi biết trong quá trình làm hồ sơ nghiên cứu sinh, cô phát hiện luận văn của cô đã bị người khác sử dụng mà không ghi tên tác giả. Người đó nếu tôi nhớ không nhầm là Vũ Thị Sao Chi, (việc này) đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm hồ sơ nghiên cứu sinh của cô Hạnh".
Còn GS Nguyễn Văn Lợi, PGS Hoàng Dũng cho rằng đây là nỗi đau đớn tủi hổ của những người trong nghề.
Nếu căn cứ theo các quy định hiện thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo tiến sĩ, một điều hai năm rõ mười là bà Sao Chi đã vi phạm nghiêm trọng liêm chính học thuật trong quá trình làm luận án tiến sĩ, thể hiện ở hai điểm cơ bản sau:
Một là, bà Sao Chi đã đạo văn ngay trong luận án tiến sĩ của mình. Theo “Hướng dẫn số 2383/HD-ĐHQGHN” về việc thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại ĐHQG Hà Nội, ban hành ngày 27/7/2017 thì một trong số nhiều biểu hiện của hành vi đạo văn là “sao chép, biên dịch, trích dẫn nguyên văn hoặc diễn giải toàn văn đoạn văn hay ý tưởng của người khác mà không có trích dẫn phù hợp”.
Hai là, bà Sao Chi còn đạo văn trong bài báo được xem là điều kiện bắt buộc trong quy chế bảo vệ luận án Tiến sĩ hiện hành.
Trong trường hợp luận án của bà Sao Chi, mặc dù đã sao chép, diễn giải các luận điểm nghiên cứu chính của bà Hồng Hạnh nhưng bà này hoàn toàn không hề trích dẫn bà Hồng Hạnh, kể cả trong tài liệu tham khảo và ngang nhiên sử dụng những ý tưởng khoa học này của bà Hồng Hạnh như là ý tưởng của riêng mình.
Căn cứ theo các quy định hiện hành ở Việt Nam, việc đạo văn cần phải được xử lý theo hình thức “hủy bỏ kết quả bảo vệ luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp và các công trình nghiên cứu khoa học” (theo “Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TPHCM” hiện hành).
Do đó, để lấy lại lòng tin và trả lại sự trong sạch cho môi trường khoa học nước nhà, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiên quyết cho thẩm tra vụ việc và xử lý nghiêm túc, thậm chí nếu đủ căn cứ thì tước bằng tiến sĩ của người đạo văn theo quy định hiện hành.