Đào vàng ở Siberia, nhóm thợ mỏ phát hiện 'xác ướp quái vật'

Một sinh vật tuyệt chủng ở Siberia từ hàng thiên niên kỷ trước đã được thiên nhiên biến thành xác ướp hoàn hảo đến kinh ngạc, như vừa chết hôm qua.

Theo Live Science, "xác ướp quái vật" mà một nhóm thợ đào vàng đã khai quật được ở Cộng hòa Sakha thuộc vùng Siberia của Nga đã được xác định là một con tê giác lông mượt (Coelodonta antiquitatis, còn gọi là tê giác lông cừu) đã tuyệt chủng.

Hiện trường khai quật "xác ướp quái vật" ở Siberia - Ảnh: NEFU

Hiện trường khai quật "xác ướp quái vật" ở Siberia - Ảnh: NEFU

Nó đã được thiên nhiên lạnh giá ở Siberia bảo quản tốt đến nỗi chỉ riêng một phần hóa thạch lộ ra ban đầu cũng đã cho thấy phần sừng và mô mềm ở đầu nguyên vẹn như ở một sinh vật vừa mới chết.

Sau khi phần đầu tiên của "xác ướp" lộ ra, các nhà nghiên cứu từ Đại học Liên bang Đông Bắc (NEFU) đã đến thăm địa điểm này và thu hồi sừng tê giác.

Phần còn lại của con vật to lớn sẽ được khai quật trong những tháng tới, theo thông báo từ NEFU.

Minh họa về tê giác lông mượt kỷ băng hà - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Minh họa về tê giác lông mượt kỷ băng hà - Ảnh: SHUTTERSTOCK

"Đây thực sự là một phát hiện độc đáo cho phép chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của khu vực, hệ động vật cổ đại, khí hậu và điều kiện địa chất của nó" - Hiệu trưởng NEFU Anatoly Nikolaev cho biết.

Theo các nhà khoa học, chính điều kiện tự nhiên đặc biệt ở Siberia đã tạo ra xác ướp hoàn hảo này.

Trong băng vĩnh cửu, sinh vật cổ đại dần bị mất nước các mô mềm, giữ chúng không phân hủy và hình dạng gần như lúc sống. Vì vậy, các con vật giống như bị nhốt trong "viên nang thời gian".

So với hài cốt hóa thạch, việc phát hiện ra mô mềm là rất hiếm và cho phép các nhà khoa học có được cái nhìn sâu sắc hơn nhiều về cuộc sống của động vật và môi trường tại thời điểm nó chết.

Ngoài ra, cách thiên nhiên tạo nên "xác ướp lạnh" cũng cung cấp một cơ hội để vật liệu di truyền như DNA, RNA của sinh vật được bảo quản ở một mức độ nào đó, đủ để các nhà khoa học trích xuất.

Ông Maxim Cheprasov, nhà nghiên cứu cao cấp và là người đứng đầu phòng thí nghiệm của Bảo tàng Mammoth NEFU, cho biết đây chỉ là lần thứ năm các nhà khoa học trên thế giới tìm thấy một con tê giác lông với các mô mềm còn nguyên vẹn. Với NEFU, đây là lần đầu tiên.

Chưa rõ niên đại của "xác ướp" này nhưng loài tê giác lông mượt là sinh vật thế Canh Tân - tức thế Pleistocene, một thời kỳ địa chất kéo dài từ 2,6 triệu đến 11.700 năm trước, còn gọi là "kỷ băng hà".

Các bằng chứng cho thấy loài này có thể xuất hiện khoảng 300.000 năm trước ở châu Âu và châu Á, bị thu hẹp quần thế trong kỷ băng hà cuối cùng và tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước do khí hậu thay đổi và cả hoạt động của con người.

Do vậy, mẫu vật này ít nhất 10.000 tuổi và có thể lên đến hàng trăm ngàn tuổi. Theo các thông số hình thái, nó thuộc về một cá thể trưởng thành.

Các nhà nghiên cứu NEFU có kế hoạch nghiên cứu chiếc sừng trước khi phần còn lại của hài cốt được khai quật.

Phát hiện về tê giác lông mượt là một trong số nhiều dự án tại NEFU nhằm tìm hiểu về quần thể động vật lớn thời kỳ băng hà ở Siberia.

Vào tháng 6, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khám nghiệm một "xác ướp" sói khoảng 44.000 tuổi, cũng được kéo ra từ lớp băng vĩnh cửu ở Cộng hòa Sakha.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-vang-o-siberia-nhom-tho-mo-phat-hien-xac-uop-quai-vat-196240809110946858.htm