Đập cảo sông nước Kiên Giang

Ngày nay, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, những đập cảo dần vắng bóng ở vùng sông nước Kiên Giang.

Cảo vỏ lãi tại đập Kinh 9, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).

Cảo vỏ lãi tại đập Kinh 9, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).

Trong chuyến công tác tại xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), chúng tôi được thấy cảo - cầu kéo dùng di chuyển phương tiện thủy qua đập, cống. Một thời cảo từng là nguồn thu nhập của nhiều gia đình. Ông Châu Văn Út, ngụ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết, ông làm nghề cảo trên 30 năm. “Thời "hoàng kim" của cảo, mỗi lượt phương tiện qua đập, tùy theo kích thước, có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng. Mỗi ngày, có trên 100 lượt phương tiện qua đập, tôi thu từ 200.000 đến 300.000 đồng”, ông Út nói.

Ông Út cho biết thêm 30 năm trước, đập ở đây kéo bằng tay, hai người kéo cảo, một người thu tiền. Về sau dần chuyển sang máy dầu D12, D15, mỗi lần có phương tiện qua thì chỉ việc quay máy nên đỡ hao sức người. Ngày nay, cảo bằng máy dầu nhưng được khởi động bằng điện rất tiện lợi, sức kéo của máy đạt 5 tấn. Người dân qua cảo chủ yếu vận chuyển nông sản. Mỗi lượt phương tiện qua lại 5.000 đồng và mức thu tối đa 150.000 đồng đối với phương tiện lớn.

Ông Châu Văn Út (bìa phải) có hơn 30 năm trong nghề cảo phương tiện thủy.

Hiện đập cảo tại chợ xã Minh Thuận còn vận hành. Theo Chủ tịch UBND xã Minh Thuận Võ Hoàng Phúc, đập Kênh 9 được hình thành để ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng đệm hai xã Minh Thuận, An Minh Bắc và vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Trước đây, đường giao thông nông thôn chưa phát triển, người dân quen đi lại bằng xuồng, vỏ lãi nên qua đập rất nhiều.

Ngày nay, đường nông thôn được đầu tư xây dựng nhiều, người dân dần chuyển sang vận chuyển nông sản bằng bằng xe máy nên lượt phương tiện qua cảo ngày càng ít. Hiện cảo chỉ phục vụ bằng 30% so lúc thịnh hành.

Người dân huyện An Minh qua cảo tại đập Kinh 25, nơi giáp ranh giữa huyện An Minh (Kiên Giang) và huyện U Minh (Cà Mau).

Đập cảo ngày càng ít theo thời gian.

Tại địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, cụ thể là giữa ấp Vàm Xáng, xã Đông Hưng B, huyện An Minh và ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh có một đập cảo được người dân hai tỉnh sử dụng. Người dân nơi đây cho biết vừa qua cảo là đến tỉnh bạn.

Ngày nay, những cống ngăn mặn, đập bê tông lớn ngày càng nhiều, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngăn mặn, giữ ngọt và giao thông. Một số cống ngăn mặn lớn có cả âu thuyền hiện đại, giúp phương tiện thủy di chuyển dễ dàng.

Những đập cảo dần chỉ còn là kỷ niệm với người dân nông thôn.

Bài và ảnh: THANH NHÃ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/dap-cao-song-nuoc-kien-giang-13641.html