Đập tan âm mưu của tay sai Nhật ở Tân Cương

Trước Cách mạng Tháng Tám thành công, bọn tay sai phát xít Nhật ra sức chống phá phong trào cách mạng, nổi cộm là ở Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Bằng sự mưu trí, tổ chức đấu tranh của cán bộ Việt Minh, nhân dân Tân Cương đã khéo léo đập tan âm mưu thâm độc của tay sai Nhật, góp phần cùng cả nước giành chính quyền.

Từ nhiều năm nay, xã Tân Cương trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn.

Từ nhiều năm nay, xã Tân Cương trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn.

Về Tân Cương trản trà, ngắm một vùng non xanh nước biếc, chợt nghe dòng sông Công một hoài niệm vọng về từ miền quá khứ. Không phải là huyền thoại tình yêu chàng Cốc, nàng Công mà là câu chuyện sâu đậm, đong đầy niềm tự hào về một thời cha ông đứng dậy cùng bẻ gẫy xiềng gông, làm nên một mùa Thu cách mạng.

Cũng như các địa phương trên cả nước, trước ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhân dân xã Tân Cương sớm được cán bộ cách mạng tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ ủng hộ phong trào đấu tranh yêu nước. Thể hiện rõ nhất từ năm 1942, khi thực dân Pháp chuyển gần 200 tù chính trị, phần lớn là chiến sĩ cộng sản từ căng Bắc Mê (Hà Giang) và từ nhà tù Sơn La về giam giữ ở căng Bá Vân, xã Bình Sơn (TP. Sông Công).

Từ cảm phục ý chí đấu tranh, lòng kiên trung của các chiến sĩ cộng sản, cùng với đó là công tác tuyên truyền, nhiều người dân Tân Cương và các xã quanh vùng như Tân Quang, Bình Sơn, Bá Xuyên được giác ngộ, ủng hộ cán bộ cách mạng. Trở thành chốn đi về, che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động, xây dựng phong trào đấu tranh.

Rồi… đêm 9/3/1945, Nhật lật đổ Pháp. Ngay ngày hôm sau (10-3), Nhật kéo quân từ Hà Nội lên chiếm lĩnh Thái Nguyên. Tình hình càng thêm rối ren khi tay sai của thực dân Pháp trước đây mau chóng chuyển sang làm tay sai cho phát xít Nhật. Bọn việt gian trước hoạt động giấu mặt, nay lộ diện. Lại nữa là một toán cướp núp danh nghĩa “đồng minh” nổi dậy cướp bóc dã man, khiến đời sống của người dân Thái Nguyên, trong đó có xã Tân Cương càng thêm khổ cực.

Cũng lúc này ánh sáng của Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945) của Trung ương Đảng đã tạo nên cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi. Để phong trào phát triển sâu, rộng trong nhân dân, Xứ ủy cử đồng chí Trịnh Thị Tâm cùng một số cán bộ khác về chỉ đạo phong trào tại các xã Tây Nam Đồng Hỷ (bấy giờ Tân Cương thuộc Đồng Hỷ). Các cơ sở cách mạng nhanh chóng được củng cố, hoạt động mạnh mẽ, không khí chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang diễn ra sôi nổi.

Xác định Tân Cương là vùng hoạt động an toàn, cuối tháng 4-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định mở một hội nghị quan trọng, lấy nơi này làm trung tâm lãnh đạo của Xứ ủy… Hòng làm tan dã phong trào cách mạng, Nghị Minh - tên tay sai phản động thân Nhật đưa quân về Tân Cương. Chúng hô hào việc tập hợp thanh niên địa phương và tổ chức huấn luyện đội lốt danh nghĩa bảo vệ Tổ quốc, thực chất là biến con em nhân dân trở thành công cụ, tay sai cho Nhật.

Để thực hiện ý đồ đen tối này, bọn Nghị Minh cho họp các cụ già, đồng thời kêu gọi nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi giáo viên huấn luyện quân sự. Nhưng do biết trước được thủ đoạn thâm độc của bọn phản động, cán bộ cách mạng đã tăng cường tuyên truyền, vạch mặt bản chất xấu xa của Nghị Minh. Hướng dẫn nhân dân phương pháp đấu tranh hiệu quả.

Để tránh việc phải cống nộp lương thực, thực phẩm cho phản động bán nước, hại dân, đồng thời tránh đổ máu không cần thiết, dưới sự hướng dẫn của cán bộ cách mạng, nhân dân Tân Cương đã bằng cách đề nghị các tiên chỉ, thứ chỉ nộp trước, rồi đến chánh tổng, lý trưởng. Còn những gia đình nghèo được miễn đóng góp.

Trước “đề nghị” khéo léo, hợp tình, hợp lý này, nhân dân xã đã đẩy bọn cường hào ác bá vào thế bí. Do bị đụng chạm đến quyền lợi, bọn quan lại, chức dịch địa phương vội gạt bỏ việc vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm. Âm mưu tổ chức huấn luyện của bọn phản động hoàn toàn thất bại.

Nhưng chưa chịu từ bỏ, bọn Nghị Minh lại đứng ra diễn thuyết, tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á của Nhật. Chúng hô hào mọi người làm “cách mạng” và tham gia ủng hộ các chính sách xâm lược của Nhật. Nhân dân Tân Cương tiếp tục đấu tranh, vạch trần bộ mặt phản dân, hại nước của tay sai, buộc chúng phải lặng lẽ từ bỏ âm mưu thâm độc, rời bỏ khỏi vùng đất này.

Cũng trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” này, nhân dân Tân Cương phối hợp với “Đội quân Sơn” ở Ba Gò, Văn Yên (Đại Từ), mở cuộc truy quét toán cướp, thu hồi được nhiều vũ khí để trang bị cho tự vệ, sẵn sàng cùng cả nước đứng lên tham gia “hành động của chúng ta”.

Ngày 4-6, Ban Chấp hành Việt Minh ở Tân Cương và các xã Tây Nam huyện Đồng Hỷ phát động quần chúng nhân dân vùng dậy xóa bỏ chính quyền địch, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời. Nhân dân Tân Cương cùng bà con trong vùng nô nức hưởng ứng, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho Ủy ban giải phóng, nhiều thanh niên dùng dao nối vào đầu gậy tre làm giáo, mác ra nhập các đội tự vệ, tích cực bảo vệ cán bộ cách mạng, sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Thắng lợi ở Tân Cương và các xã vùng Tây Nam Đồng Hỷ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng thời góp sức tạo cơ sở vững chắc khi đơn vị Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tiến quân từ Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) về giải phóng TX. Thái Nguyên.

Không gian Văn hóa trà Tân Cương đón tiếp, phục vụ hơn 10.000 lượt du khách trong, ngoài nước mỗi năm.

Không gian Văn hóa trà Tân Cương đón tiếp, phục vụ hơn 10.000 lượt du khách trong, ngoài nước mỗi năm.

Phát huy truyền thống cách mạng, các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Tân Cương không ngừng thi đua phấn đấu, đồng thuận xây quê hương mình ngày càng giàu đẹp. Từ năm 2021, xã Tân Cương được UBND tỉnh công nhận đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2022 là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Không dừng lại ở đó, cán bộ, nhân dân trong xã tiếp tục phát huy nội lực, đồng thuận xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 một cách toàn diện, với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, thân thiện, giàu bản sắc văn hóa.

Nhân dân, du khách trong nước, quốc tế về Tân Cương thưởng trà, được nghe chuyện kể về một thời cha ông đánh giặc giữ nước. Và hiểu biết hơn về một nét đẹp văn hóa sâu sắc được trao truyền qua nhiều thế hệ, đó là trà ngon nức tiếng cả nước, danh thơm lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202409/dap-tan-am-muu-cua-tay-sai-nhat-o-tan-cuong-9dd04f3/