Đáp trả Moscow, 3 nước châu Âu trục xuất nhà ngoại giao Nga
Đức, Ba Lan, Thụy Điển đã tuyên bố trục xuất một nhà ngoại giao Nga để đáp trả việc Moscow làm điều tương tự đối với một số nhà ngoại giao châu Âu.
Bình luận về việc Moscow trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định rằng việc này “không được biện minh dưới bất kỳ hình thức nào”.
Bộ Ngoại giao hôm nay tuyên bố ‘người không được hoan nghênh’ là một nhân viên của đại sứ quán Nga ở Berlin” – Bộ Ngoại giao Đức nói – “Nga đã trục xuất một số nhà ngoại giao EU, trong đó có một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Đức. Quyết định này không được biện minh theo bất kỳ cách nào”
Trước đó, 3 nhà ngoại giao từ Ba Lan, Đức và Thụy Điển đã bị trục xuất khỏi Nga sau khi tham gia các cuộc tuần hành mà Nga cho là trái phép nhằm ủng hộ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.
“Nhà ngoại giao Đức chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ báo cáo về các diễn biến tại chỗ theo cách hợp pháp” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức viết.
Trong một động thái tương tự, Ba Lan tuyên bố trục xuất một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Nga ở Poznan, trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cũng tuyên bố trục xuất nhà ngoại giao Nga.
“Chúng tôi đã thông báo với Đại sứ quán Nga rằng một người từ Đại sứ quán Nga đã được yêu cầu rời khỏi Thụy Điển. Đây là phản ứng rõ ràng đối với quyết định không thể chấp nhận được khi trục xuất một nhà ngoại giao Thụy Điển chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình” – bà tuyên bố trên Twitter.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các quyết định của Đức, Ba Lan và Thụy Điển là “vô căn cứ”.
“Các quyết định ngày hôm nay của Ba Lan, Đức và Thụy Điển là vô căn cứ, không thân thiện và là sự tiếp nối của rất nhiều hành động mà phương Tây đang thực hiện đối với đất nước của chúng tôi mà chúng tôi coi là can thiệp vào công việc nội bộ của mình” – bà nói trên truyền hình Nga.
Một số cuộc tuần hành Nga cho là trái phép đã diễn ra nhằm ủng hộ chính khách đối lập Navalny diễn ra tại một số thành phố Nga vào ngày 23 và 31/1. Ngày 2/2, những người biểu tình cũng xuống đường sau khi Navalny nhận án tù 3,5 năm thay cho án tù treo về tội tham ô.
Trong khi một số nước phương Tây bao gồm Mỹ, Đức, Pháp và Anh kêu gọi Moscow thả Navalny, Bộ Ngoại giao Nga coi phản ứng của phương Tây đối với các cuộc biểu tình là một “chiến dịch toàn cầu được phối hợp nhằm kiềm chế Nga và can thiệp vào công việc nội bộ của mình”.