Đáp ứng đủ các điều kiện an toàn, học sinh đi học trở lại

'Phụ huynh quan tâm, lo lắng cho sự an toàn của con là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh được địa phương cho phép quay trở lại trường học khi đáp ứng đủ các điều kiện an toàn, phụ huynh cũng nên yên tâm và cùng con nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh khi đi học trở lại', BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) chia sẻ.

Trong thời gian học sinh nghỉ học, nhiều trường học tại Hà Nội đã tổ chức vệ sinh, khử trùng trường lớp. Ảnh: Q.Anh

Trong thời gian học sinh nghỉ học, nhiều trường học tại Hà Nội đã tổ chức vệ sinh, khử trùng trường lớp. Ảnh: Q.Anh

Trường học tích cực vệ sinh, khử trùng

Dù trong thời gian học sinh nghỉ học kéo dài đến hết ngày 23/2, song suốt 2 tuần qua, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội có thể thấy công tác phòng chống dịch bệnh cũng rất khẩn trương và nghiêm túc. Trong thời gian học sinh nghỉ học, công tác hoạt động của nhà trường cũng diễn ra bình thường như họp chuyên môn, triển khai công tác kế hoạch dạy học khi học sinh quay trở lại. Ngoài ra, các trường đều bố trí cán bộ, giáo viên túc trực tại trường, thực hiện công tác vệ sinh trường lớp sạch sẽ, phun thuốc khử trùng lớp học, hành lang… Ngoài vệ sinh sạch sẽ trường lớp, các trường cũng rất chú trọng đến các vận dụng sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt bán trú của học sinh.

Tại trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), không chỉ đợt nghỉ mà trước và sau Tết, nhà trường cũng đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Ngoài hướng dẫn cho học sinh về cách phòng chống bệnh dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong thời gian học sinh nghỉ học, nhà trường đã tiến hành các đợt tổng vệ sinh toàn trường như: Phun thuốc khử trùng toàn bộ trường học, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thường xuyên lau rửa sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, máy tính, bàn phím… bằng nước tẩy Cloramin B.

"Thời gian học sinh được nghỉ, nhà trường cũng đã triển khai công tác hướng dẫn học, hỗ trợ học sinh tự học để các em ôn tập, củng cố lại kiến thức. Đồng thời, nhà trường cũng tiến hành kế hoạch dạy bù khi học sinh quay trở lại… Có thể nói, nhà trường đã làm hết sức đối với công tác phòng chống dịch bệnh, phụ huynh lo lắng cũng là điều dễ hiểu, song có thể yên tâm khi con quay trở lại trường khi đã đảm bảo là không có dịch bệnh và đầy đủ các biện pháp phòng tránh", thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ghi nhận ở một số trường tiểu học công lập tại Hà Nội như: Chu Văn An (quận Hoàng Mai), Đặng Trần Côn A (quận Thanh Xuân), Bế Văn Đàn (quận Đống Đa), Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng)… trong suốt thời gian 2 tuần qua, các trường này đã thực hiện công tác vệ sinh trường lớp rất tỉ mỉ như: Phun thuốc khử trùng trường học, lau dọn lớp học, hành lang, các công trình của trường… Đối với các đồ dùng phục vụ bán trú như bát đĩa, cốc nước… được rửa thường xuyên, được đưa vào nồi luộc để khử trùng… Ngoài ra, các trường cũng bố trí cán bộ, nhân viên, giáo viên cọ rửa các bồn hoa, sân trường sạch sẽ khi đón học sinh quay trở lại.

Hiện tại các trường học đang trong thời gian tạm nghỉ, song câu chuyện học sinh quay trở lại học tập lúc nào cũng được nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng. Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con là điều dễ hiểu và hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện nay.

"Trong công tác phòng chống dịch bệnh, vai trò của phụ huynh theo tôi đánh giá là quan trọng nhất. Học sinh các em còn nhỏ, rất hiếu động và nô đùa mọi lúc mọi nơi. Phụ huynh hãy quan tâm nhiều hơn đến con, ở nhà kiểm tra con, nếu có biểu hiện ho, sốt cũng nên thông báo cho nhà trường, bộ phận y tế nắm bắt. Ngoài ra, hướng dẫn con rửa tay xà phòng khi đi vệ sinh, nắm vào tay nắm cửa, đeo khẩu trang, tránh trêu đùa nhổ bọt vào mặt nhau, tát vào mặt nhau… Đây đều là khuyến cáo của cơ quan y tế. Khi con đi học, cha mẹ chuẩn bị khẩu trang, nước gel rửa tay cho con trường hợp nhà trường không có), tuân thủ trong ăn bán trú. Giáo viên phải có sự giám sát, hướng dẫn học sinh. Có như vậy, mới tạo sự yên tâm đối với phụ huynh trong công tác phòng chống dịch bệnh", BS Nguyễn Trọng An đưa ra lời khuyên.

Nhiều biện pháp phòng chống dịch tại trường học

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 406/BGDĐT-GDTC yêu cầu 63 tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 180/MT-VP. Trong đó, trước khi học sinh, sinh viên, học viên quay trở lại học, nhà trường phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng, được vệ sinh sạch sẽ. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường. Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh thì phải đảm bảo mỗi em có một khăn riêng và giặt sạch khăn với xà phòng sau mỗi ngày học.

Bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ. Có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học. Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết.

Nhà trường quy định, hướng dẫn học sinh rửa tay với nước sạch và xà phòng theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh, khi thấy tay bẩn. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, chăn… Nghiêm cấm học sinh khạc nhổ bừa bãi.

Hàng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt hay có ho, khó thở, mệt mỏi không. Nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi. Trong thời gian học, khi giáo viên phát hiện học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế tại trường học có trách nhiệm cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh này…

Bộ GD&ĐT đã có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên do dịch bệnh COVID-19. Công văn nêu rõ, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 02/2020. Căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của các địa phương trong cả nước, Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành và sẽ có hướng dẫn chi tiết.

Quang Anh

Học sinh phải làm gì để phòng COVID-19 sau khi trở lại trường?

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/dap-ung-du-cac-dieu-kien-an-toan-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-20200217190648683.htm