Đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 27/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bảo đảm khả thi, phù hợp thực tiễn
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, một số ý kiến đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao và chỉ hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ chứ không hỗ trợ thường xuyên hàng tháng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định mức hỗ trợ hàng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là kế thừa quy định về chế độ hỗ trợ đối với đối tượng đội trưởng, đội phó đội dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã có từ lâu đang được các địa phương thực hiện. Nếu bỏ quy định hỗ trợ hằng tháng mà chỉ hỗ trợ khi được huy động thì sẽ không thu hút được người dân tham gia lực lượng này, không bảo đảm tính khả thi của Luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần quy định khung, mức tối thiểu đối với hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và giao HĐND cấp tỉnh quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia; nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, chưa tự chủ được ngân sách. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới nêu rõ, nhiều ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn tuyển chọn như dự thảo Luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; đề nghị ưu tiên tuyển chọn các trường hợp là bộ đội, công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu phù hợp vào Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Nghiên cứu quy định mức hỗ trợ tối thiểu theo mức lương cơ sở
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng dự thảo Luật; khẳng định dự án Luật trình và dự kiến thông qua tại Kỳ họp lần này nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, trước thực trạng đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay.
Liên quan đến bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Điều 23 dự thảo Luật quy định: người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Nhiều đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng được quy định theo mức lương cơ sở để HĐND cấp tỉnh có định mức sàn khi xét duyệt, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cuộc sống và phù hợp với sức lao động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Cùng quan điểm, ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) lưu ý, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo sự không công bằng về chế độ giữa các địa phương do các tỉnh có điều kiện tự cân đối ngân sách sẽ có khả năng kinh phí để quy định mức chi cao hơn các địa phương khác còn khó khăn, trong khi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các địa phương là giống nhau về bản chất.
Cũng cho rằng nên thống nhất mức hỗ trợ, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong cả nước, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một mức, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, cần cân nhắc về việc hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị và mua sắm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu trong nhiệm vụ chi của địa phương vì nếu giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức chi như khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật thì một số địa phương khó bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ chi này.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung của dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý và cho rằng luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở. Một số vấn đề được đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng, nghĩa vụ, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động; tiêu chuẩn tuyển chọn và bố trí lực lượng; bảo đảm kinh phí hoạt động, nhiệm vụ chi của các cấp...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nội quy Kỳ họp.
Theo daibieunhandan.vn