Đáp ứng 'mục tiêu kép' khi chuyển hình thức đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Ngày 9-6, Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín (Quốc hội khóa XIV) việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Theo đó, 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc này được Chính phủ đề nghị chuyển từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tính toán kỹ lưỡng nguồn vốn của các dự án, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư.

Đề nghị bổ sung hơn 23.400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước

Sau hơn hai năm triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông với 11 dự án thành phần, tờ trình của Chính phủ cho thấy, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 73%. Trong đó, 3 dự án đầu tư công đã bắt đầu thi công từ tháng 9-2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai từ tháng 8-2020. Còn 8 dự án PPP đang gặp một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu về huy động vốn tín dụng. Các tổ chức tín dụng rất khó cho vay với dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) vì đã chạm ngưỡng hệ số an toàn vốn, nguy cơ phát sinh nợ xấu, rủi ro. Từ thực tế đó, Chính phủ đánh giá, việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo nghị quyết của Quốc hội.

Thi công đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án thành phần đầu tiên được khởi công trong số 11 dự án của cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Ảnh: NGUYỄN GIANG

Thi công đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án thành phần đầu tiên được khởi công trong số 11 dự án của cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Ảnh: NGUYỄN GIANG

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án cao tốc Bắc-Nam theo Chính phủ sẽ giải quyết được “mục tiêu kép”. Trước hết, đẩy nhanh tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Nếu được chuyển đổi sang đầu tư công, dự án có thể khởi công trong tháng 9-2020 thay vì sớm nhất phải đến giữa năm 2021 với đầu tư PPP. Trong hơn hai năm qua, giải ngân vốn đầu tư cho dự án bị chậm, do vậy, Chính phủ hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân khi dự án khởi công. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ đem lại hiệu quả lớn về kinh tế-xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương do đây là tuyến đường huyết mạch, càng sớm hoàn thành càng tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Trong tờ trình, Chính phủ khẳng định, chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay. Nếu phát hành trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn hiện nay sẽ hiệu quả hơn do mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất tín dụng. Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước để tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Chính phủ đã xác định các tiêu chí lựa chọn dự án chuyển đổi sang đầu tư công, gồm: Dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn; dự án khó huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; bảo đảm tính kết nối liên tục. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần: Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây. 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí, cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

Cần xem xét kỹ khả năng bố trí, cân đối vốn

Nhìn nhận khó khăn trong huy động vốn tín dụng nếu thực hiện theo hình thức PPP, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nhắc đến việc chuyển sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam không chỉ giảm tổng mức đầu tư mà còn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và tiến độ dự án. Tuy nhiên, đại biểu Phan Thái Bình băn khoăn về nguồn vốn để đáp ứng cho dự án, nếu phát hành trái phiếu Chính phủ liệu có vượt trần nợ công, phương án thu phí hoàn vốn có ảnh hưởng đến các dự án BOT trên Quốc lộ 1. Kể cả với 5 dự án tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP, trong trường hợp không chọn được nhà đầu tư phải chuyển sang đầu tư công cũng cần tính đến nguồn vốn để thực hiện.

Phân tích rõ hơn về ảnh hưởng đến nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tác động nợ công, trần nợ, khả năng trả nợ, số phải trả trên tổng thu. Bên cạnh đó, cần đánh giá khả năng vay thêm nợ công và sắp xếp các khoản vay. “Việc vay vốn ngân hàng thương mại cho các dự án hạ tầng giao thông hiện nay không khả thi, nhưng vấn đề này không chỉ có cao tốc Bắc-Nam gặp phải mà các dự án giao thông khác cũng khó khăn. Theo tôi, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn này nếu không sẽ không còn dự án BOT giao thông trong thời gian tới nữa”, đại biểu Hoàng Quang Hàm bày tỏ.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) với các dự án PPP không có nhà đầu tư quan tâm hoặc dự án cấp bách, then chốt mà doanh nghiệp tư nhân không giải quyết được thì cần thiết phải chuyển sang đầu tư công để tránh làm đứt gãy huyết mạch giao thông. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần ưu tiên trước hết cho việc huy động nguồn lực xã hội vào dự án PPP bởi doanh nghiệp tư nhân sẽ cung cấp dịch vụ, vận hành dự án hiệu quả hơn. Nguồn vốn của NSNN hiện không quá dồi dào, đang phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực, do vậy, cần đẩy mạnh thu hút PPP. Muốn như vậy cần phải tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.

Chia sẻ những băn khoăn của các ĐBQH, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể: Nếu được điều chỉnh, nguồn vốn từ ngân sách cần bổ sung cho tuyến cao tốc Bắc-Nam hơn 23.400 tỷ đồng hoàn toàn có thể cân đối được. Con số này chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn NSNN bố trí cho Bộ GTVT trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 ưu tiên cho ngành giao thông với dự án cao tốc Bắc-Nam.

Trước một số thắc mắc về việc chuyển sang đầu tư công với đoạn Phan Thiết-Dầu Giây hay Mai Sơn-Quốc lộ 45 vốn có lưu lượng xe lớn, dễ thu hút nhà đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hai dự án này có tổng mức đầu tư cao, đòi hỏi huy động vốn tín dụng lớn với mức khoảng 9.000 tỷ đồng và 7.500 tỷ đồng lần lượt cho mỗi dự án. Điều này khiến các nhà đầu tư dù quan tâm nhưng còn e ngại. Lường trước khó khăn khi tuyến đường đi qua nhiều vùng địa chất phức tạp, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ cố gắng đưa ra giải pháp tốt nhất để xử lý và cam kết sẽ bảo đảm chất lượng công trình đường cao tốc Bắc-Nam.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dap-ung-muc-tieu-kep-khi-chuyen-hinh-thuc-dau-tu-cao-toc-bac-nam-622563