Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân

Chặng đường 16 năm hình thành, phát triển của chính quyền và người dân Đam Rông gắn liền với sự thay da đổi thịt của một vùng đất vốn chồng chất khó khăn. Dần dà, khi cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo trước mắt thì việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế đã góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống người dân.

Người dân kiểm tra sức khỏe tại Trạm Y tế xã Đạ Long

Người dân kiểm tra sức khỏe tại Trạm Y tế xã Đạ Long

Ông K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, mà hiện nay mạng lưới y tế cơ sở ở Đam Rông được tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa. Tính đến nay cơ bản 8/8 trạm y tế ở các xã đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Cùng với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, mạng lưới y tế cơ sở đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Hầu hết cơ sở hạ tầng ở các trạm đều được xếp hạng từ cấp 4 trở lên, gần trục đường giao thông, người dân dễ dàng tiếp cận; trạm đạt diện tích mặt bằng theo yêu cầu, được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trạm y tế cơ sở và tiêu chuẩn ngành, đảm bảo số lượng các phòng theo yêu cầu. Các trạm có nguồn nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh; việc thu gom, xử lý chất thải theo quy định. Đa số các trạm đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết, tủ thuốc được quản lý theo các quy định sử dụng thuốc an toàn, không để xảy ra tai biến nghiêm trọng về thuốc. Ở các trạm đều đảm bảo đầy đủ vật tư tiêu hao phục vụ công tác khám, chữa bệnh, dự trù đủ thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch…

“Trước đây bà con thường xuyên đến thẳng Trung tâm Y tế huyện, nhưng nay đã tin tưởng chăm sóc sức khỏe tại trạm. Bên cạnh thăm khám các bệnh thông thường như cảm, ho, đau bụng, viêm họng… thì từ ngày có trạm mới, trang thiết bị đầy đủ hơn để cấp cứu hay khám, chữa những bệnh nặng hơn, tiến hành các thủ thuật phức tạp… Tâm lý e dè, lo ngại của bà con dần được xóa bỏ mà minh chứng rõ nhất là số lượt khám, chữa bệnh, cấp thuốc của trạm cũng đã tăng lên từng ngày”, chị Nguyễn Thị Thanh Mai - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liêng Srônh cho hay.

Tháng 4/2020, Trạm Y tế xã Liêng Srônh được bàn giao và đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn xã. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu của tất cả mọi người. Trạm cũ xây dựng từ 2005, chỉ là một dãy nhà cấp 4 có 7 phòng làm việc đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mái xệ, thấm nước, không đủ phòng theo tiêu chí quy định. Điều này gây ảnh hưởng không ít đến công tác khám, chữa bệnh, nhiều thủ thuật không thể thực hiện bởi điều kiện không đảm bảo an toàn.

Còn tại khu vực 3 xã Đầm Ròn, nơi cách trung tâm huyện gần 30 km thì hầu hết việc chăm sóc sức khỏe hằng ngày được tiến hành tại 3 trạm y tế xã và Phòng khám đa khoa khu vực Đạ Tông. Theo đánh giá của các y, bác sĩ, người dân đã nhận thức tốt hơn về việc nâng cao và bảo vệ sức khỏe của mình. Các trạm cũng đã đáp ứng yêu cầu của người bệnh, chỉ những ca nghiêm trọng mới phải chuyển lên tuyến trên.

“Ngày xưa còn thiếu thốn, chỉ dựa trên những dấu hiệu, biểu hiện của người bệnh để đưa ra chẩn đoán thì bây giờ thì đã có trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, chỉ với những bệnh phức tạp thì chuyển mẫu lên Phòng khám đa khoa khu vực Đạ Tông để lấy kết quả. Với quy mô trạm thế này thì đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ cũng yên tâm công tác”, chị Lê Thị Khuyên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạ Tông chia sẻ.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đảm bảo ở cơ sở cũng sẽ giúp cho khả năng tiếp cận của người bệnh cũng được nâng lên. Việc triển khai thực hiện khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tại trạm đều được đảm bảo. Với đặc thù địa bàn xa, chia cách nên khi năng lực của các y tế cơ sở được nâng cao là điều vô cùng thuận lợi. Đó cũng là biện pháp để “chia lửa”, giảm bớt áp lực cho Trung tâm Y tế huyện khi bệnh nhân đã được hưởng các dịch vụ y tế tại chỗ mà không cần chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ K’Ngọc Hùng cho biết, trong thời gian tới, khi Phòng khám đa khoa khu vực Đạ Tông hoàn thành và bàn giao thì ở Đầm Ròn sẽ có thêm điều kiện để hướng đến xây dựng khu vực điều trị, phục vụ gần 20.000 người dân ở khu vực 3 xã Đầm Ròn. Riêng Trung tâm Y tế huyện, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, một số phòng chuyên môn bị hư hỏng. Đơn vị đã có kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 như khoa truyền nhiễm, khu phòng mổ, khoa y tế dự phòng…; đồng thời nâng cao năng lực nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.

HÀ THANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202009/dap-ung-nhu-cau-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-3022967/