Đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Giá (sửa đổi) với những điểm mới rất được lưu tâm. Theo đó, vé máy bay và sách giáo khoa được Quốc hội thống nhất quyết định áp giá trần. Đây là hai dịch vụ, mặt hàng dù không phải thiết yếu trong tiêu dùng hàng ngày, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội bởi đối tượng sử dụng nhiều, trong đó có không ít khách hàng ở phân khúc thu nhập thấp.
Chúng ta đều biết, liên quan đến vé máy bay, mỗi dịp nghỉ lễ, tết là thời điểm mà người dân có nhu cầu đi lại rất lớn, nhất là những lao động phổ thông có nhu cầu về quê. Đây cũng là dịp mà người dân có nhu cầu đi du lịch nhiều hơn. Tuy nhiên ở những thời điểm này giá vé máy bay thường bị đội lên rất cao, khách hàng có thu nhập khá nhiều khi còn phải lắc đầu, chứ nói gì đến việc tiếp cận của khách hàng ở phân khúc bình dân. Thực tế là nhiều lao động xa quê, sinh viên đã phải chấp nhận đón tết ở nơi đất khách quê người một cách bất đắc dĩ trong nhiều năm với lý do không mua được vé máy bay. Trong khi đó tàu hỏa và ô tô có thời gian hành trình dài, chiếm rất nhiều thời gian của kỳ nghỉ. Mà thực tế là những kỳ nghỉ các phương tiện này cũng quá tải.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc tăng giá vé máy bay còn làm tăng chi phí xã hội, tăng chi ngân sách Nhà nước vì nhiều cơ quan Nhà nước hàng năm phải chi tiền khá lớn cho việc mua vé máy bay phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ.
Tương tự, giá sách khoa hiện đang là vấn đề đau đầu với nhiều gia đình có con đi học trong điều kiện mỗi đầu năm học có rất nhiều khoản phải chi. Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản đang cộng cả chi phí phát hành sách với mức chiết khấu rất cao. Ví dụ, mức chiết khấu trong phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021 và 2021-2022 là 29% giá bìa; năm học 2022-2023 mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa, dẫn đến giá sách bị đẩy lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Gánh nặng chi phí học tập, trong đó có chi phí mua sách giáo khoa đã khiến không ít học sinh phải dang dở việc học tập.
Các yêu cầu này đặt ra cần thiết phải có công cụ kiểm soát để không tác động tiêu cực đến người dân, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đem đến tín hiệu tích cực, nhiều người đón nhận bằng niềm vui, sự hy vọng, vấn đề còn lại là trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan được Chính phủ ủy quyền sao cho linh hoạt, vừa đảm bảo được lợi ích cho doanh nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi việc quy định giá trần không mang tính cố định, mà phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng giai đoạn, từng thời điểm. Trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì đơn vị cung cấp dịch vụ có quyền đề nghị điều chỉnh. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh tăng thì cũng cần phải điều chỉnh giảm nếu điều kiện kinh tế - xã hội có sự thay đổi, chứ không phải cứ điều chỉnh tăng rồi tăng mãi, bất kể các yếu tố liên quan đều đã quay đầu giảm.
Luật được ban hành là để góp phần điều tiết giá một cách phù hợp, góp phần tăng cường quản lý trật tự xã hội, vì vậy rất cần các cơ quan chức năng phải linh hoạt theo các diễn biến xã hội. Từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành còn khá dài, là thời gian để các cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật một cách phù hợp.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dap-ung-su-ky-vong-cua-cu-tri/188985.htm