Đáp ứng tối đa nhu cầu về vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Công Bằng - Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết, thời gian tới, các Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tiếp tục cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách, gắn hoạt động cho vay với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở cả trung ương và địa phương, đáp ứng tối đa nhu cầu về vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể…
PV: Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong đó có chính sách hợp tác xã (HTX) được tiếp cận vốn tín dụng từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Việc cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của các quỹ đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Công Bằng: Đến nay, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 (quỹ trung ương), trên địa bàn cả nước đã có 51 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (quỹ địa phương).
Đối với quỹ trung ương, được thành lập cuối năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu do ngân sách nhà nước cấp là 100 tỷ đồng, đến năm 2022 mới được cấp đủ vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Ước đến hết tháng 4/2024, quỹ đã ký hợp đồng cho vay trên 400 lượt HTX tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số tiền ký hợp đồng cho vay đạt 1.400 tỷ đồng, giải ngân với số tiền 1.200 tỷ đồng. Dư nợ đến hết tháng 4/2024 ước đạt 600 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng ở mức an toàn.
Các dự án vay vốn của HTX chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc (chiếm khoảng 70% tổng số dự án quỹ cho vay); thời hạn vay bình quân 4 năm/dự án. Từ đầu năm 2024, sau khi cấp có thẩm quyền và quỹ ban hành đồng bộ quy chế cho vay, quy định cụ thể về lãi suất cho vay, quỹ mới triển khai cho vay theo cơ chế mới, theo đó quỹ được cho vay đến thành viên tổ hợp tác, HTX, đồng thời được cho vay vốn lưu động. Do cơ chế mới phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của khu vực kinh tế tập thể, nên tiến độ giải ngân đang diễn ra tương đối thuận lợi.
Đối với 51 quỹ địa phương, tính đến hết năm 2023, các quỹ có tổng vốn điều lệ được ngân sách cấp là 1.219 tỷ đồng; tổng vốn hoạt động 2.662 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 22.687 tỷ đồng; cho vay 8.979 lượt hợp tác xã, gần 800.000 lượt tổ hợp tác, thành viên HTX, tổ hợp tác. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn chiếm 68%, phi nông nghiệp chiếm 32%.
Hết năm 2023, dư nợ các quỹ đạt 2.243 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nguồn vốn hoạt động. Các quỹ địa phương do Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh trực tiếp quản lý có chất lượng tín dụng cơ bản tốt, tự trang trải chi phí hoạt động và bảo toàn vốn điều lệ.
PV: Nguồn vốn từ các quỹ đã giúp gì cho các HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
Ông Phạm Công Bằng: Nhìn chung, hoạt động của các quỹ đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, mở rộng sản xuất và tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước. Nguồn vốn vay ưu đãi của các quỹ còn giúp cho khu vực kinh tế tập thể tăng doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể và đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.
Nhiều HTX, thành viên HTX được vay vốn đã trở thành các HTX điển hình tiên tiến, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo sự lan tỏa. Các quỹ đã chú trọng gắn hoạt động hỗ trợ vốn với các chương trình, mục tiêu phát triển của Chính phủ và địa phương. Không những vậy, các quỹ với tôn chỉ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, cho vay với lãi suất ưu đãi đã phát huy được lợi thế về sự am hiểu, đồng cảm, chia sẻ, tâm huyết, trách nhiệm với các Liên hiệp HTX, HTX và thành viên; hỗ trợ tín dụng đồng bộ với các kênh hỗ trợ khác của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Ví dụ, các HTX sau khi vay vốn của quỹ trung ương thì doanh thu bình quân một năm HTX tăng 43,5%, lợi nhuận tăng 37,2%, số thành viên tăng 24%, số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập thành viên tăng 26,2%, thu nhập người lao động tăng 24,2%; giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Hoặc đối với các HTX, tổ hợp tác sau khi vay vốn quỹ địa phương thì bình quân một năm doanh thu tăng 26,5%, lợi nhuận tăng 26,62%, số thành viên kết nạp mới tăng 20%; giải quyết việc làm cho 130.000 lao động trực tiếp và gián tiếp; thu nhập bình quân của một thành viên tăng 23,39%/năm, của người lao động tăng 25,43%/năm; đóng góp ngân sách tăng 18%/năm.
PV: Hiệu quả là vậy, tuy nhiên mới đây theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam chỉ có 10% HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Theo ông, thời gian tới, quỹ sẽ “gỡ khó” như thế nào để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các quỹ?
Ông Phạm Công Bằng: Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn từ các quỹ của khu vực kinh tế tập thể trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố chưa thành lập hoặc chưa tổ chức, sắp xếp lại quỹ, cần khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP. Theo đó, các tỉnh, thành cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy chế, quy trình, quy định về tổ chức, quản trị hoạt động đảm bảo sự đồng bộ thống nhất và đúng pháp luật để sớm đưa quỹ đi vào hoạt động theo cơ chế mới.
Thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các đối tượng vay vốn để lan tỏa cơ chế chính sách, triển khai hỗ trợ đến tất cả đối tượng được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, quỹ sẽ triển khai có hiệu quả công tác huy động vốn, bổ sung vốn điều lệ để tăng quy mô hoạt động của các quỹ, từ đó mở rộng hoạt động cho vay. Đặc biệt, các quỹ cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách, gắn hoạt động cho vay với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở cả trung ương và địa phương, đáp ứng tối đa nhu cầu về vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể…
Về phía các HTX, Liên hiệp HTX cần tăng cường công tác đào tạo bài bản, chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, công tác hoạch định chiến lược, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; xây dựng báo cáo tài chính, lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và hồ sơ vay vốn hiệu quả, khả thi cho cán bộ, nhất là người đứng đầu HTX.
Các HTX, Liên hiệp HTX phải thích nghi với cơ chế thị trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán; minh bạch hóa các thông tin về tình hình tài chính, tài sản của HTX, công khai, tạo niềm tin cho thành viên góp vốn, các đối tác cũng như thuyết phục được các tổ chức tín dụng, các quỹ cho vay vốn; tận dụng và sử dụng có hiệu quả tối đa các chính sách hỗ trợ của nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, uy tín của HTX đối với các tổ chức cho vay vốn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam (trung ương, địa phương) được thành lập và hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn, từng bước phát triển cả về số lượng, quy mô vốn, phạm vi hoạt động, trở thành công cụ để hiện thực hóa chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể.