Đáp ứng tốt yêu cầu tái chế để xuất khẩu vào thị trường khó tính
Thống kê về tiêu dùng cũng cho thấy, thế hệ trẻ chấp nhận mua các sản phẩm tái chế với giá cao hơn 30% so với sản phẩm thông thường. Đây là xu hướng mới mà doanh nghiệp (DN) cần lưu ý...
Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ, nhiều đối tác của DN ở nước ngoài có nhu cầu mua sản phẩm nhựa tái chế công nghệ cao, nhưng không tìm được DN sản xuất nào tại Việt Nam và họ có đề nghị Duy Tân sản xuất để cung ứng. Năm 2016, công ty bắt đầu nghiên cứu và đến năm 2019 nhà máy được vận hành. Khó khăn mà DN gặp phải là thị trường tái chế chưa có quy định rõ ràng, chủ yếu là tự nguyện của DN. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Công ty đã thu gom và tái chế 18.200 tấn rác thải nhựa, tương đương 1,6 tỷ chai nhựa, trong đó tiêu thụ nội địa 40% (7.100 tấn) và XK 60% (9.100 tấn). Hiện tại, công ty thu gom được từ các vựa ve chai có đăng ký công ty, có mã số thuế, còn những vựa thu gom nhỏ lẻ thì khó khăn do không có hóa đơn đầu vào để chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
"Do vậy, DN cần được sự tham vấn của các đơn vị, cơ quan chức năng, các tổ chức tái chế để đưa ra các hướng dẫn về chứng minh nguồn gốc thu mua nguyên liệu, chai nhựa tái chế. Nếu giải quyết được vấn đề này cho ngành nhựa thì một số ngành tái chế khác như giấy, thủy tinh, kim loại... cũng sẽ được khai thông", ông Lê Anh nói.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cũng khẳng định, việc tái chế là yêu cầu hết sức cấp thiết đối với DN. Theo yêu cầu từ thị trường EU, khi sản phẩm XK vào thị trường này, một số nhà NK yêu cầu trong sản phẩm phải có bao nhiêu phần trăm là nguyên vật liệu tái chế, đặc biệt là ngành nhựa. Nếu DN không có 20% tái chế trong một số sản phẩm nhựa xuất đi EU thì sẽ không được nhập vào nước của họ. Bên cạnh đó, trong các dự thảo của EU, những bao bì tiếp xúc nhạy cảm như chai đựng nước suối, chai đựng thực phẩm... đến năm 2040 thì tỷ lệ tái chế sẽ đến 65%.
Dệt may hiện cũng đang là một trong số những ngành trọng yếu cần phải thực hiện tái chế. Theo chia sẻ của ông Đinh Hồng Kỳ - Viện trưởng Viện ESG và Phát triển bền vững, rác do ngành dệt may tạo ra trên thế giới lớn khủng khiếp. Để tiêu hủy một chiếc áo sơ mi hay một chiếc áo vest cần thời gian hàng trăm năm. Hiện nay, kể các các tập đoàn lớn đang có xu hướng là cho thuê quần áo, hay thế giới đang quay lại thị trường tiêu dùng lại quần áo cũ.
Ông Nguyễn Huy - Tổng Giám đốc ngành hàng - Đảm Bảo Kinh Doanh tại Việt Nam và Cambodia, Intertek cũng cho rằng, nếu trước đây, khi nói đến may mặc thì nói về thời trang nhưng bây thì nói cái áo đó có bao nhiêu phần trăm tái chế trong đó. Đó cũng là yếu tố để người tiêu dùng (NTD) quyết định chọn. Luật của EU ràng buộc rất chặt chẽ việc này.
Trước đây, DN có chứng nhận thông qua cuộc đánh giá 1 lần/năm, nhưng hiện nay với tái chế thì DN cần phải có thêm một chứng nhận nữa là chứng nhận giao dịch (nghĩa là, chứng nhận mua nguyên liệu có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ tái chế hoặc nguyên liệu hữu cơ) và chứng nhận đó phải do một đơn vị độc lập kiểm tra. Tất cả các dữ liệu về nguyên liệu đều được truy xuất nguồn gốc, và sự minh bạch này sẽ giúp cho NTD tin cậy và họ sẵn sàng trả tiền cao hơn để mua sản phẩm. Việc kiểm tra đó sẽ đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, sở, ban, ngành, các tổ chức, các nhãn hàng nước ngoài để thúc đẩy chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi cũng đã gặp những vụ mà hàng may mặc đã đóng container qua tới thị trường EU rồi nhưng không xuất ra ngoài bán được do thiếu chứng nhận giao dịch của lô hàng đó", ông Nguyễn Huy cho biết.
Để chuẩn bị ngay từ bây giờ, ông Trần Việt Anh lưu ý DN: DN phải đọc đầy đủ thông tư của Luật môi trường mới, những quy định về tái chế... Đặc biệt, khi DN tái chế ra sản phẩm thì phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm tái chế đó (có nghĩa là DN phải có đơn hàng), chứ không phải tái chế ra rồi đưa ra thị trường. Một vấn đề nữa là về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm tái chế phải đảm bảo quy định về môi trường, đảm bảo về quy định ATTP... DN phải có đầy đủ thông tin về đối tác, về thị trường thì mới bắt đầu xây dựng được kế hoạch cho tái chế sản phẩm.